Làm giàu từ trồng nấm

Thứ bảy, 30/11/2019

Với nguồn vốn đầu tư thấp, sản xuất đơn giản, công chăm sóc không nhiều nhưng giá trị sản phẩm cao,… là những ưu điểm của các mô hình trồng nấm đang được nhiều hộ thanh niên lựa chọn làm hướng phát triển kinh tế của gia đình.
Với nguồn vốn đầu tư thấp, sản xuất đơn giản, công chăm sóc không nhiều nhưng giá trị sản phẩm cao,… là những ưu điểm của các mô hình trồng nấm đang được nhiều hộ thanh niên lựa chọn làm hướng phát triển kinh tế của gia đình.
 

Thu nhập ổn định sản xuất giống nấm


Cơ sở sản xuất giống và nấm thương phẩm của Lê Đăng Cường xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh là địa chỉ tin cậy được nhiều cá nhân, cơ sở sản xuất nấm tại Hà Tĩnh tìm đến. Đây là cơ sở vừa cung ứng giống nấm và nấm thương phẩm có năng suất, chất lượng cao.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Thạch Hà, sau một thời gian làm ăn xa quê, có chút vốn liếng trong tay, Lê Đăng Cường trở về với mong muốn được phát triển kinh tế tại quê hương. Năm 2013 cơ duyên nghề trồng nấm đã đến, ban đầu chỉ là một người làm thuê, nhưng do ham học hỏi, tìm tòi kiến thức về cây nấm, đến nay Cường đã xây dựng được cơ sở sản xuất giống nấm sò với diện tích 3.000m2, một trong những loại nấm dễ trồng, mang lại thu nhập cao tại xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà.

Cơ sở của Cường được chia làm nhiều khu vực. Khu nhà Thí nghiệm để nuôi cấy các bào tử nấm (Khu vực nhân giống cấp I) (giống gốc). Các khu vực II, khu vực nhân giống cấp III (phôi nấm), khu vực nhân giống cấp IV (giống nấm) và khu vực sản xuất giống thương phẩm.


Mỗi năm Cường xuất bán hơn 200.000 bịch giống nấm cho các cơ sở và cá nhân  trên toàn tỉnh

Bào tử nấm được tách ra từ các sợi nấm, sau đó được nuôi trong môi trường thạch (PDA) cho sợi nấm phát triển. Môi trường thạch này được tạo ra bằng cách lấy nước luộc từ khoai tây cho thêm đường, agar khuấy đều. Cho thạch vào chai thủy tinh sau đó hấp vô trùng. Lựa chọn mô nấm khỏe, không già, không non. Dùng dao lấy ở giữa mô nấm một mẫu nhỏ 2 x 2 (mm) cho vào giữa môi trường thạch (đã nguội). Sau khi cấy mô giống nấm vào môi trường thạch, để vào nơi sạch sẽ, khô ráo từ 10 - 15 ngày sẽ thấy các sợi nấm lan ra khắp chai. Đây là giống cấp I (giống gốc). Sau đó chuyển giống cấp I sang môi hạt lúa để nhân giống cấp II. Hạt lúa được sử dụng ở đây chủ yếu là giống Xuân Mai và giống Khang dân 18, được làm sạch, luộc lên tạo môi trường cho nấm sinh sống. Quá trình nhân giống cấp I, cấp II được thực hiện trong phòng vô trùng.

Giống cấp III được nuôi trong môi trường cây sắn. Cường thu mua cây sắn tươi về, cạo sạch vỏ, cắt đoạn khoảng 10cm, ngâm nước vôi, đóng bịch trong túi niong để nhân nhanh số lượng giống cấp III.

Giống cấp IV được nuôi cấy trong môi trường mùn cưa, bông phế thải. Mùn cưa, bông phế thải được xay nhỏ, xử lý qua nước vôi, đem ủ, đóng trong bịch nilon, hấp vô trùng, sau đó cấy giống cấp IV vào. Từ giai đoạn nuôi cấy bào tử nấm đến giai đoạn đưa giống vào môi trường mùn cưa, bông phế thải (giống cấp IV), mất khoảng 50 - 60 ngày. Bịch nấm có thể ươm trên giàn hoặc dưới nền nhà. Thời gian ươm bịch từ 18 - 20 ngày cho đến khi sợi nấm ăn kín trắng toàn bộ bịch nấm, làm cho bịch nấm rắn chắc và sợi nấm ăn vào nguyên liệu tạo thành khối màu trắng đều từ trên miệng xuống đáy túi. Lúc này là giai đoạn xuất bán bịch giống nấm cho các cơ sở để tự tay chăm sóc.

Khi bịch nấm trắng đều tiến hành treo bịch nấm lên dây, hướng miệng túi xuống phía dưới, dùng dao nhọn sắc rạch 6 - 9 vết rạch xung quanh bịch nấm (các vết rạch so le và đều nhau), kích thước vết rạch rộng 2 - 3 cm, sâu 4 - 5 cm. Sau khi rạch khoảng 5 - 7 ngày, nấm bắt đầu phát triển từ các vết rạch. Nấm sò mọc thành từng cụm nên thu hái cả cụm. Khi nấm có đường kính mũ đạt từ 3 - 4 cm thì tiến hành thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 2 - 3 tháng.

Cường cho biết, nấm sò có thể sản xuất quanh năm, nhưng mùa cho năng suất, chất lượng cao bắt đầu từ tháng 9 và được thu hoạch đến tháng 4 năm sau. Khi nấm đã cho thu hoạch thì cứ 3 - 4 ngày sẽ thu một lứa. Ngày ít nhất cơ sở của Cường cũng thu được 5 – 7 kg.


Từ khi nấm bắt đầu hình thành đến khi thu hoạch mất 3 - 4 ngày

Quá trình trồng nấm, vất vả và quan trọng nhất là khâu cấy giống và theo dõi phôi. Sau khi nấm hình thành xuất hiện trên bịch nấm thì việc chăm sóc khá đơn giản. Hằng ngày, chỉ cần tưới nước sạch để tạo độ ẩm cho nấm phát triển. Cần điều chỉnh lượng nước tưới để đảm bảo nấm có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để phát triển có chất lượng nấm tốt và năng suất cao.

Cường cho hay, cơ sở của mình xuất bán cả phôi nấm (giống nấm cấp III), bịch nấm (giống nấm cấp IV) và cả nấm thương phẩm. Mỗi năm xuất bán gần 1.000 bịch phôi nấm, hơn 200.000 bịch giống nấm, 5 - 7 tấn nấm sò thương phẩm, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng. Ngoài sản xuất nấm sò là chính, cơ sở của Cường còn sản xuất mộc nhĩ, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm linh chi… Cơ sở đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 người dân tại địa phương với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng/người. Đồng thời, Cường cũng là nhà cung cấp giống nấm và liên kết tiêu thụ nấm thương phẩm cho nhiều cơ sở trồng nấm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.


Nơi nắng nóng nhất, vẫn có thu  nhập cao nhờ trồng nấm hoàng đế


Vốn tính chịu khó và có niềm đam mê nghiên cứu trồng các loại nấm làm thực phẩm sạch, cung cấp cho thị trường, Nguyễn Thị Hải, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị là một trong những hộ trồng nấm với số lượng lớn trong vùng.

Năm 2004, Hải bắt đầu bén duyên với nghề trồng nấm. Ban đầu chỉ là một ô trại nhỏ sản xuất nấm sò, đến nay Hải đã mở rộng khu trại nấm lên 300m2 và trồng thêm nhiều loại nấm khác như mộc nhĩ, linh chi, và gần đây là nấm hoàng đế. Hải cho biết, mỗi loại giống nấm đều có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao thì quan trọng nhất là khâu chọn giống, chọn nguyên liệu và cách ủ nguồn nguyên liệu. Hiện nay, mỗi năm gia đình Hải trồng từ 40.000 - 50.000 bịch nấm sò, 5.000 bịch mộc nhĩ, 6.000 bịch linh chi, năm 2019 Hải đưa thêm vào trồng 2.000 bịch nấm hoàng đế.

Về cơ duyên đến với nấm hoàng đế, Hải cho biết, tuy gia đình có trại trồng nấm khá lớn trong vùng nhưng đến mùa nắng nóng thì việc sản suất nấm phải giảm số lượng, sản xuất cầm chừng, đôi khi phải tạm nghỉ do nắng nóng kéo dài, nấm sò và nấm mộc nhĩ không mang lại hiệu quả. Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, thấy nấm hoàng đế có dải nhiệt độ và độ ẩm tương đối rộng, có khả năng phù hợp với điều kiện khí hậu tại tỉnh Quảng Trị trong mùa nắng nóng, Hải mạnh dạn liên hệ với trại nấm tỉnh Thái Bình, tìm ra học hỏi kinh nghiệm trồng nấm hoàng đế. Với những kiến thức đã học hỏi được, hiện nay Hải đã tự sản xuất phôi nấm và thực hiện trồng để cung cấp cho thị trường.


Chị Hải bên mô hình trồng nấm hoàng đế của gia đình

Theo Hải, trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, thị trường nấm luôn ổn định. Hiện nay, ngoài bán nấm thương phẩm Hải còn tự sản suất phôi nấm giống, để bán cho các hộ trồng nấm khác. Hải mong muốn người dân trong vùng sẽ có thêm nguồn thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình, cũng như cung cấp các sản phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Với mô hình cung cấp phôi giống và bán nấm thương phẩm, mỗi năm gia đình Hải có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Huế - Chủ tich Hội nông dân xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh cho biết: “Hiện nay, trại nấm của chị Hải không chỉ là nơi sản xuất nấm chất lượng mà còn là cầu nối giúp nông dân trong vùng cùng phát triển kinh tế. Là người kinh doanh, nhưng chị Hải luôn sẵn sàng hướng dẫn cho nông dân đến tham quan, học hỏi một cách tận tình để giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu một cách chính đáng”.
 

Thoát nghèo từ trồng nấm sò


Trịnh văn Tuyên, thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, một trong những người đầu tiên của xã mạnh dạn đầu tư vốn làm trang trại mô hình trồng nấm sò.

Trước khi đến với nghề trồng nấm sò, gia đình Tuyên đã làm nhiều nghề nhưng thu nhập không đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình. Nhờ tự tìm tòi, mày mò học hỏi nghề trồng nấm sò và giờ đây gia đình Tuyên đã thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định.

Thời gian đầu khi mới đầu tư trang trại để trồng nấm sò đã gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, nên thiệt hại không nhỏ. Tuyên cho biết, giai đoạn chính trong quá trình trồng nấm sò là giai đoạn làm phôi và giai đoạn chăm sóc thu hoạch. Trong giai đoạn làm phôi, khi ủ mùn cần chú ý tỷ lệ trong đống ủ và độ ẩm đống ủ.

Còn về quá trình hấp giá thể, phải hấp đủ thời gian và  nhiệt độ. Sử dụng thiết bị hấp đơn giản nhất là thùng phuy, hấp cách thủy trong hơi nước sôi liên tục từ 10-12 giờ. Nếu hấp thùng phuy đặt vỉ lót vào thùng phuy đổ nước sạch vào thùng khoảng 15-20 cm sao cho không ngập vỉ lót. Xếp xen kẽ các túi giá thể vào nồi hấp để có khoảng trống cho hơi nước thoát lên phần nắp thùng (thùng 200 lít chứa khoảng 60-70 túi). Đốt lò đạt nhiệt độ 95-1000C, sau khi hấp đủ thời gian thì chuyển túi giá thể vào phòng cấp giống chờ từ 24 - 48 giờ để các túi nguội mới được cấy giống. Trong quá trình cấy giống phải chọn giống sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình chăm sóc cần chú ý nhiệt độ, độ ẩm trang trại, ngoài ra cũng cần quan sát sâu bệnh để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.


Tuyên đang kiểm tra sự phát triển của nấm

Tính từ tháng 6/2018 đến nay, Tuyên đã thu nhập từ trồng nấm sò hơn 240 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí thì lãi bình quân gần 10 triệu đồng/tháng. Giá nấm bán lẻ hiện nay là 55.000 đồng/kg và giá bán cho các thương lái thu mua số lượng nhiều là 50.000 đồng/kg.

Nấm sò là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chi phí đầu tư ít nhưng mang lại giá trị kinh tế cao, nấm trồng sạch được người tiêu dùng tin mua. Hiện tại nhu cầu khách hàng lớn, lượng túi phôi và nấm từ trang trại của Tuyên chưa đủ để đáp ứng, vì vậy anh dự định sẽ mở rộng thêm diện tích quy mô và thuê thêm nhân công.

Trịnh Văn Tuyên cũng rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nấm sò khi có thanh niên trong và ngoài xã đến học hỏi. Tuyên hy vọng nhiều thanh niên và người dân nơi đây cùng nhau trồng nấm để có thể cung cấp lượng nấm lớn cho thị trường
 

Thu lãi 150 triệu đồng /năm từ trồng nấm


Xuất thân từ gia đình thuần nông, cuộc sống của gia đình quanh năm trồng lúa, nuôi lợn, nuôi gà, cuộc sống vất vả nhưng cũng chỉ đủ trang trải. Năm 2013, khi thành phố có Đề án sản xuất nấm, Phạm Thị Hoa, thôn Bảo Tân, xã Minh Bảo thành phố Yên Bái đã mạnh dạn đăng ký và làm nhà trồng nấm với diện tích chỉ gần trăm mét vuông. Được cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn từ khâu đóng bịch, hấp bịch, cấy nấm và quá trình chăm sóc nên gia đình chị đã thu lãi ngay từ vụ đầu tiên. Cứ thế qua các năm, kinh nghiệm trồng nấm được gia đình Hoa dần tích luỹ, diện tích trồng nấm qua các năm cũng được mở rộng lên. Đến nay, diện tích tích trồng nấm của gia đình đã lên đến gần 600 m2 với tổng số hơn 6.000 bịch nấm sò và hơn 20.000 bịch nấm mọc nhĩ.
 

Với tổng diện tích đất của gia đình có gần 2.000 m2, Hoa bố trí, xây dựng một quy trình sản xuất nấm khép kín với đầy đủ các hạng mục như khu chứa, khu xử lý nguyên liệu, nhà đóng bịch, cấy giống, nhà nuôi trồng nấm các loại. Để đảm bảo nuôi trồng nấm thành công, đem lại năng suất cao thì ngoài những kinh nghiệm đã có, kiến thức đã học được qua lớp tập huấn của cán bộ khuyến nông, Hoa rất quan tâm, chú trọng đến chất lượng giống nấm. Theo kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, để chủ động được giống nấm, lại đảm bảo được chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, Hoa đã chủ động đăng ký với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái để lấy giống nấm.

Theo Hoa, trong sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu thì nấm sò đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cả do chi phí giống không cao, thời gian thu hoạch nhanh, sau khi cấy giống khoảng 1 tháng là có thể cho thu hoạch. Tuy nhiên, nấm sò thường được tiêu thụ tươi và thu hoạch rộ cùng một thời gian nên nếu nuôi trồng nấm sò với số lượng lớn sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Nghề nuôi trồng nấm không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải chịu khó, siêng năng từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu xử lý, tưới nước cũng như chăm sóc. Người trồng nấm cũng phải tỉ mỉ, cẩn thận theo dõi thời tiết để có chế độ chăm sóc, phun ẩm cho nấm cho phù hợp. Ngoài ra cần có sự đầu tư, như nhà trồng nấm phải xây dựng bán kiên cố, hợp vệ sinh, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm, hệ thống nồi hấp phải đảm bảo yêu cầu...

Hiện nay, với hơn 26.000 bịch nấm các loại, mỗi năm gia đình chị thu được hơn 3 tấn nấm sò tươi và 1 tấn nấm mộc nhĩ khô, với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg nấm sò tươi và 120.000 đồng/kg nấm mộc nhĩ khô, sau khi trừ đi chi phí thu lãi hơn 150 triệu đồng.

Là người trồng nấm nhiều năm nay nên nấm thương phẩm của gia đình, đặc biệt là nấm mộc nhĩ thường xuyên được các thương lái đặt hàng và đến tận nhà thu mua. Với nhiều ưu điểm thì nghề nuôi trồng này là cách làm hay để bà con phát triển kinh tế.
 

                                           ĐH tồng hợp: Nguồn TTKNQG


Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×