Thủ khoa hoàn thành chương trình đại học trong 3,5 năm

Thứ hai, 18/11/2019

Đôi mắt không thể nhìn thấy gì, học muộn 9 năm so với bạn bè cùng trang lứa, cô gái sinh năm 1988 vẫn xuất sắc trở thành một trong hai thủ khoa Đại học KHXH&NV.

1. Sinh viên Nguyễn Thị Hồng, cô gái khiếm thị (sinh năm 1988, Thanh Trì, Hà Nội) trở thành thủ khoa Đại học KHXH&NV khi hoàn thành chương trình đại học trong 3,5 năm


Đôi mắt không thể nhìn thấy gì, học muộn 9 năm so với bạn bè cùng trang lứa, cô gái sinh năm 1988 vẫn xuất sắc trở thành một trong hai thủ khoa Đại học KHXH&NV.
 
"Tôi từng bị nhìn như một sinh vật lạ"

Nguyễn Thị Hồng (Thanh Trì, Hà Nội) vốn không phải là một người khiếm thị bẩm sinh. Thế giới của Hồng thời thơ ấu vẫn ngập tràn những gam màu tươi vui khi cô luôn là niềm tự hào của cả gia đình với thành tích học tập xuất sắc.

Nhưng cú va đập mạnh năm 14 tuổi khiến Hồng bị vỡ nhãn cầu, tê liệt toàn bộ dây thần kinh. Vì vậy, Hồng không còn cảm thấy đau nữa. Hôm sau, khi đôi mắt cứ thế mờ dần, bố mẹ mới tá hoả đưa Hồng đến bệnh viện. Lúc này, cả hai bên mắt của cô gần như không còn nhìn thấy gì.

Mẹ Hồng khóc nghẹn khi biết mắt phải của con phải cắt bỏ hoàn toàn. Hồng cũng khóc theo mẹ vì biết mình sẽ không được đi học nữa.


Nguyễn Thị Hồng là một trong hai thủ khoa của ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội năm nay.

Cô bé 14 tuổi khi đó vẫn chưa hiểu được bản thân sẽ thiệt thòi ra sao khi hai mắt không thể nhìn rõ. Nỗi buồn lớn nhất lúc bấy giờ có lẽ là không được đi học, xem hoạt hình hay đọc truyện tranh. Càng về sau, Hồng càng cảm nhận thấy rõ sự kỳ thị của mọi người.

"Bước ra ngoài, mọi người xem mình như một sinh vật lạ. Họ tò mò theo dõi từng bước chân xem mình đi đứng ra sao, làm việc như thế nào. Chính lúc ấy, mình bắt đầu cảm thấy bản thân bị phân biệt".

Hồng dần thấy sợ và khép mình lại. Trong suốt 3 năm đầu, cô không dám bước chân ra khỏi nhà.

Ở mãi trong nhà nên Hồng thích nghe đài. Một lần, đài phát đi chương trình về nghị lực sống. Đó là câu chuyện của một người bị liệt toàn thân, chỉ có đầu và một chân cử động được. Nhưng người đàn ông ấy vẫn ngồi xe lăn, đi bán vé số dạo và suốt ngày cười nói, hát ca.

Khi được hỏi tại sao có thể luôn vui vẻ như thế, ông trả lời: "Nếu như tôi khóc mà có thể tốt hơn thì tôi sẽ khóc. Còn nếu tôi khóc mà không thể thay đổi được điều gì thì tại sao tôi không cười".

Nghe được câu nói ấy, Hồng như được truyền động lực: "Mình chỉ bị hỏng mắt thôi, nhưng vẫn còn tay, còn chân. Tuy hơi khó khăn, nhưng mình vẫn may mắn hơn rất nhiều người. Cho nên, mình không việc gì phải buồn cả".

Tư tưởng thay đổi, Hồng bắt đầu trở nên lạc quan hơn. Nhưng cô gái trẻ vẫn không biết phải định hướng ra sao cho cuộc đời mình, bởi "xung quanh mình không ai bị như thế cả và bản thân cũng chưa từng tiếp xúc với người khiếm thị".


Đôi mắt không thể nhìn thấy, Hồng từng tự ti đến mức không dám bước chân ra ngoài trong suốt 3 năm trời.

Lần khác trong lúc nghe đài, Hồng nghe được câu chuyện của những học sinh khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Đó là lần đầu tiên, Hồng biết đến những người giống như mình. Họ vẫn đang làm việc, vui vẻ học Âm nhạc, tiếng Anh, chơi cờ vua.

Gạt bỏ suy nghĩ "trên đời này chỉ có một mình mình hỏng mắt", Hồng tự nhủ "mình không thể như thế này mãi được". Vậy là Hồng xin mẹ cho đi học.

Đó cũng là thời điểm Hà Nội đang có đại dịch đau mắt đỏ. Lần này, Hồng tiếp tục bị mắc phải khiến đôi mắt vốn nhìn lờ mờ trở nên "tịt hẳn".

Ông bà phản đối kịch liệt việc cho Hồng đi học tại trường Nguyễn Đình Chiểu. "Con bị như thế mà lại đem đi vứt bỏ. Không ai vứt bỏ nó cả", người ông quyết liệt nói với bố mẹ Hồng.

Nhưng Hồng quyết tâm phải thuyết phục gia đình bằng mọi giá. Bố mẹ Hồng đành phải bàn nhau đi tìm trường cho con.

Thời điểm ấy trường Nguyễn Đình Chiểu chỉ nhận muộn nhất 16 tuổi, nhưng Hồng khi ấy đã 20. "Ở tuổi 20 lẽ ra phải giúp được bố mẹ rồi nhưng mình vẫn phải để bố mẹ nuôi". Nghĩ vậy, Hồng nhờ bố mẹ xin vào Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố để học những ngày cuối tuần. Trong tuần, cô đi làm xoa bóp, bấm huyệt. Mỗi tháng, Hồng nhận được 600.000 đồng. Số tiền này đủ để cô tự nuôi sống bản thân mà không cần xin bố mẹ nữa.

Người khiếm thị cũng có ước mơ

Học đến hết năm 2015, Hồng hoàn thành xong chương trình lớp 12. Cô đăng ký xét ưu tiên vào ngành Công tác xã hội của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Với thành tích học tập tốt, hồ sơ của Hồng được chấp nhận.


Giờ đây Hồng có thể tự tin nói chuyện với mọi người.

Lên đại học, Hồng tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn khác. Chữ nổi ghi rất chậm, slide trôi nhanh khiến cô không thể ghi chép được bài.

Mất nửa học kỳ đầu, Hồng cảm thấy bất lực vì không có tài liệu. Cô cứ thế "tay không bắt giặc" do không thể đọc được giáo trình.

Những tưởng không thể tiếp tục, nhưng sau một kỳ đầu, Hồng cũng dần quen với phương pháp học tập mới ở bậc đại học.

"Các bạn bắt đầu giúp đỡ mình nhiều hơn và thầy cô cũng dần quen với việc trong lớp có một bạn khiếm thị".

Không có tài liệu học tập, Hồng chăm chú nghe cô giảng trên lớp và ghi âm lại. Cô cũng ghi lại từ khoá trong các bài giảng, sau đó về nhà tìm kiếm giáo trình trên mạng.

"Việc tìm giáo trình cũng rất khó vì nếu tìm được nguyên bộ giáo trình như cô giảng dạy trên lớp là không có. Cách duy nhất mình có thể làm là tìm kiếm tư liệu cho từng bài học.

Ví dụ với môn Triết, học đến học thuyết nào mình sẽ lên mạng tìm kiếm tất cả các bài phân tích về những học thuyết ấy. Sau đó, mình dùng phần mềm đọc màn hình để nghe xem bài phân tích nào đúng góc độ mà cô giáo giảng rồi lấy đó là căn cứ để làm tài liệu sử dụng".

Cứ thế trong những năm đại học, nhờ phương pháp này Hồng vượt qua được tất cả các môn. Nguyễn Thị Hồng làm được những điều "không tưởng" là hoàn thành chương trình học chỉ mất 3,5 năm và đến giờ là danh hiệu thủ khoa Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

"Hóa ra, ai rồi cũng có thể nỗ lực tỏa sáng theo cách riêng", Hồng tự nhủ.

"Có những cơ thể không lành lặn nhưng vẫn đem lại điều đẹp đẽ cho cuộc đời". Đó là lý do Hồng lựa chọn Ngành công tác xã hội. Cô mang ước mơ có thể làm thay đổi nhiều thứ trong suy nghĩ của người khiếm thị.

"Trước đây mình từng làm cho một tổ chức phi chính phủ với vai trò dạy tiếng Anh cho người khiếm thị trên địa bàn Hà Nội.

Làm công việc này khiến mình nhận ra nhiều thứ. Mình không thích cách nhiều người tặng quà cho người khiếm thị nhưng lại tặng tranh ảnh hay những thứ không sử dụng được. Điều đó thực sự lãng phí.

Trong khi đó những người khiếm thị có nhu cầu được giúp đỡ thông tin nhưng người ta lại không biết tìm sự giúp đỡ ấy ở đâu. Vì thế nên mình nghĩ, nếu mình là một nhân viên làm công tác xã hội, mình sẽ giúp họ có thể biết người khuyết tật cần những điều gì.

Còn đối với các bạn khuyết tật, mình cũng nhận thấy một sự thật là nhiều người luôn ỉ lại sự giúp đỡ của người khác và nghĩ rằng mình có quyền được ưu tiên. Nếu có thể đổi lại, mình hi vọng bản thân sẽ là người đi cho chứ không mong là người được nhận".
 

2. Sinh viên xinh đẹp Lê Thùy Dung (sinh năm 1997, Nam Định) thủ khoa Đại học Kinh tế Quốc dân được đại diện cho 86 sinh viên thủ khoa xuất sắc năm 2019 lên phát biểu cảm nghĩ tại Lễ vinh danh thủ khoa năm 2019 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.


Là sinh viên khóa 57 của Đại học Kinh tế Quốc dân, Lê Thùy Dung không chỉ là thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Luật kinh doanh quốc tế, cô còn là Á khoa toàn khóa 57 với điểm trung bình 9,01. Hoàn thành chương trình học tập của 4 năm trong 3,5 năm, Dung được nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 4/2019.
 

Lê Thùy Dung trong đêm vinh danh 86 thủ khoa của thành phố Hà Nội. Dung bất ngờ khi được đại diện cho 86 sinh viên thủ khoa xuất sắc lên phát biểu cảm nghĩ.

Sinh ra trong gia đình có bố làm việc trong Quân chủng Phòng không - Không quân, mẹ là nhân viên công ty tổ chức sự kiện, triển lãm, cuộc sống của gia đình Dung cũng khá eo hẹp. Khi Dung mới 2 tháng tuổi cũng là lúc bố nhận quyết định điều chuyển công tác về Hải Phòng 10 năm, mỗi năm chỉ có thể về thăm nhà 2-3 lần. Mọi công việc của gia đình đều do mẹ gánh vác.

Học cách tự lập khi mới lên 5. Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, ban ngày mẹ của Dung đi làm ở công ty du lịch, tối đến lại làm thêm bấm huyệt, châm cứu. Không có họ hàng thân thích ở Hà Nội, mẹ lại đi làm từ sáng tới tối muộn mới về, cô bé 5 tuổi hồi ấy phải tự mình chăm sóc bản thân.

“Mẹ đổ sẵn gạo để trưa em tự nấu cơm ăn, em tự làm việc nhà như rửa bát, quét nhà… Đến mức các cô bác hàng xóm khi ấy còn phải ngưỡng mộ vì không nghĩ một đứa trẻ 5 tuổi có thể tự làm nhiều việc đến vậy", Dung nói.

Lên 6 tuổi, mẹ Dung làm công ty du lịch ở phố Tô Tịch, mẹ cho Dung theo học một trường tiểu học gần đấy, một ngôi trường nhỏ trên phố Hàng Chỉ. Sáng mẹ đưa đi học, chiều tan học mẹ đón về, rồi hai mẹ con đèo nhau trên chiếc xe đạp đến nhà những người cần bấm huyệt. Khi mẹ làm việc, Dung lấy sách vở ra học bài, đến khoảng 10 giờ tối hai mẹ con mới trở về nhà.

Dung nhớ hồi ấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, các bạn được bố mẹ mua bim bim có phiếu tích điểm. Dung không có tiền mua nên xin các bạn phiếu tích điểm đó để dành 2-3 tháng đổi được một gói.

Lên cấp 2, Dung theo học trường THCS Nhật Tân. Dù điểm tổng kết cao nhưng Dung vẫn bị mọi người dè bỉu vì chỉ học ở trường làng. "Nhiều người thường nói với mẹ em: “9 phẩy ở trường thường thì cũng chỉ bằng 7 phẩy ở trường chuyên thôi". Khi nghe được điều ấy, em cũng buồn lắm, nhưng được mẹ động viên, em lấy đó làm động lực để mình cố gắng hơn. Sau này mỗi khi có chuyện buồn, em thường tâm sự và xin lời khuyên từ mẹ", Dung cho hay.

Khoảng thời gian tuổi thơ 10 năm cha vắng nhà, mẹ lo làm việc nên cô bé phải tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Có lẽ vì thế mà 9x luôn vạch ra cho mình kế hoạch chi tiêu hợp lý, tự chủ về tài chính, không phụ thuộc vào gia đình từ sớm.

Khi bước vào giảng đường đại học, ngoài giờ học, Dung làm gia sư vì được nhiều nơi mời dạy kèm. Bởi họ biết em là học sinh chuyên Văn của trường THPT Chu Văn An Hà Nội, lại đạt giải Nhất môn Văn TP Hà Nội, huy chương Bạc trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các trường THPT chuyên khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ.

Nhận thấy tầm quan trọng của ngoại ngữ, với kiến thức tiếng Anh tốt, Dung còn tự mở lớp dạy ngôn ngữ này. Số tiền kiếm được từ công việc dạy thêm, Dung dành trang trải học phí. Trong suốt những năm học đại học, Dung luôn cố gắng học tập và tham gia các hoạt động. Cô gái 9x liên tục trở thành cái tên sáng giá trong mỗi kỳ nhận học bổng.

Khi chọn trường đại học, bố mẹ Dung đưa ra hai phương án, bố thì muốn theo vào quân đội, còn mẹ mong em học sư phạm và trở thành giáo viên. Cuối cùng em lựa chọn ngành Luật kinh doanh quốc tế của Đại học Kinh tế Quốc dân. Bố mẹ tôn trọng ý kiến này.

Thời gian học đại học, buổi sáng Dung học trên lớp, chiều tham gia các hoạt động ở trường, câu lạc bộ; đến tối em đi dạy và hoàn thành các bài tập của mình vào tối muộn. Chia sẻ về phương pháp học, Dung cho biết: “Ở đại học quan trọng nhất là khả năng tự học. Em thường nghiên cứu bài trước ở nhà, đánh dấu là những phần chưa hiểu, đến lớp hỏi thầy cô rõ hơn. Trên lớp em luôn tập trung tối đa để nắm bắt được kiến thức luôn. Vì thế khi thi cuối kỳ em không phải học dồn, nên không vất vả lắm".

Bí quyết học tập "bất bại"

Là sinh viên có thành tích học tập tốt, tham gia hoạt động năng nổ, 4 năm đại học Dung được các bạn sinh viên tin tưởng và bầu chọn làm lớp trưởng. “Cán bộ lớp rất quan trọng, là cầu nối giữa thầy cô với các bạn sinh viên trong lớp. Khi tiếng nói của thầy cô trên khoa với các bạn ở lớp không đồng nhất, một lớp trưởng cần phải khéo léo để dung hòa các ý kiến", Dung nói.

Thời gian học năm 4 đại học, Dung đã là chuyên viên tại ngân hàng VP Bank với mức lương khá cao. Tuy nhiên mong muốn của Dung vẫn là trở thành một luật sư trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, đúng chuyên ngành mà cô theo học.
 

Lê Thùy Dung trở thành gia sư môn Văn và mở lớp dạy tiếng Anh khi mới là sinh viên đại học.

Hiện Dung theo học lớp Luật sư của Học viện Tư pháp. Cô chia sẻ mong muốn sau khi hoàn thành khóa học này có thể xin vào công ty luật, làm việc có liên quan đến yếu tố nước ngoài về lĩnh vực kinh doanh thương mại để có thể phát triển nghề nghiệp luật sư của mình.


 
Mỹ Anh tổng hợp (theo Kênh 14, Báo mới)

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×