Biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi

Thứ ba, 20/06/2017

Biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi
1. Các điều kiện để bệnh phát triển
Bệnh nảy sinh không chỉ liên quan đến một yếu tố đơn thuần, mà nó liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau và sự tác động qua lại của các yếu tố đó. Khi ta nhận rõ chuỗi mắt xích này thì sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác phòng chống dịch bệnh.
- Yếu tố gây bệnh hay tác nhân gây bệnh.
- Yếu tố vật chủ: tuổi, giới tính, đã tiêm phòng hay chưa…
- Yếu tố bên ngoài: Môi trường ngoại cảnh ảnh hưởng đến sự phát triển và phát sinh dịch bệnh (khí hậu, thời tiết). Yếu tố do con người tạo ra (chuồng trại, vệ sinh, dinh dưỡng…).
Trong quần thể động vật chúng ta phải chú ý tới động vật mang trùng và nguồn bệnh, có thể là vật sống ký sinh trên cơ thể động vật chủ hoặc trong môi trường ngoại cảnh (đất, nước, không khí hoặc động vật hoang dã…) mà ở đó có khả năng tồn tại, nhân len, gây bệnh và làm lây lan bệnh.
 
2. Phòng chống bệnh cho vật nuôi
2.1. Vệ sinh chuồng trại và thiết bị chăn nuôi
Chuồng trại phải đảm bảo phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông, đảm bảo cách ly với môi trường xung quanh.
 
 
Thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi (Ảnh: Nguồn Internet)
 
Tẩy uế chuồng trại sau mỗi lứa nuôi bằng phương pháp: Rửa sạch, để khô sau đó phun sát trùng bằng các loại thuốc sát trùng và trống chuồng ít nhất 15 ngày với vật nuôi thương phẩm, 30 ngày đối với vật nuôi sinh sản. Với những chuồng nuôi lưu cữu hoặc chuồng nuôi có vật nuôi bị bệnh truyền nhiễm, cần phải vệ sinh tổng thể và triệt để: Sau khi đưa hết vật nuôi ra khỏi chuồng, xử lý theo hướng dẫn của thú y, cần phun sát trùng kỹ (pha dung dịch sát trùng và phun theo hướng dẫn khi chống dịch) toàn bộ chuồng nuôi từ mái, các dụng cụ và môi trường xung quanh, để khô và dọn, rửa. Các chất thải rắn trong chăn nuôi cần thu gom để đốt hoặc ủ sinh học; chất thải lỏng, nước rửa chuồng cần thu gom để xử lý, không thải trực tiếp ra môi trường. Cần phun sát trùng 1-2 lần/tuần trong suốt thời gian trống chuồng, ít nhất trong 30 ngày. Các thiết bị, dụng cụ chăn nuôi cần rửa sạch, phơi khô, sát trùng và đưa vào kho bảo quản. Vệ sinh và phun sát trùng xung quanh chuồng nuôi.
 
 
Phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực chăn nuôi
 
Trước khi nuôi lứa mới, cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện như chuồng nuôi, các dụng cụ, thiết bị đã vệ sinh sạch sẽ và vật tư cần thiết như thức ăn, nước uống, thuốc thú y thiết yếu đảm bảo chất lượng...
Vật nuôi nên mua từ cơ sở giống có uy tín, chất lượng, khi mới mua về phải nhốt riêng tại khu cách ly để đảm bảo an toàn, không mắc bệnh truyền nhiễm mới đưa vào khu chăn nuôi.
Vật nuôi ốm cần được cách ly và điều trị. Vật nuôi chết phải xử lý theo quy định của thú y.
Đối với người trực tiếp chăn nuôi, phải dùng bảo hộ lao động (quần, áo, ủng, mũ) sử dụng riêng trong khu vực chăn nuôi.
Chuồng trại nên có tường bao quanh, không để người không phận sự, động vật khác vào khu vực chăn nuôi. Các loại xe, thiết bị, dụng cụ chăn nuôi trước khi đưa vào khu chăn nuôi cần vệ sinh, sát trùng.
 
2.2.  Vệ sinh thức ăn nước uống
Thức ăn, nước uống đảm bảo chất lượng, không sử dụng thức ăn bị hư hỏng, ôi, mốc. Không dùng nước ao hồ, sông ngòi hoặc nước giếng có hàm lượng sắt cao cho vật nuôi uống.
 
2.3. Quan sát vật nuôi hàng ngày
Cần sớm phát hiện vật nuôi có biểu hiện bất thường như: Bỏ ăn hoặc kém ăn; ủ rũ, nằm một chỗ hoặc lười vận động, nằm chồng đống lên nhau hoặc nằm tách xa đàn. Mắt lờ đờ, mắt sưng, chảy nước mắt, nước mũi, sưng mặt, lông sù. Sốt cao, uống nhiều nước, tai đỏ hoặc tím tái. Ho, khó thở, thở mạnh, tiêu chảy. Biểu hiện thần kinh, tiếng kêu bất thường...
Xuất huyết ngoài da hoặc tím tái các vùng da như tai, mõm, chân (đối với lợn).
 
3. Điều trị
Theo nguyên tắc:
- Điều trị sớm
- Áp dụng biện pháp tổng hợp: Dùng thuốc điều trị kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng tốt.
- Điều trị căn nguyên và triệu chứng.
Khi tiến hành điều trị phải có quan điểm kinh tế. Nếu bệnh nguy hiểm cho người hoặc gia súc trở thành vật mang trùng thì không nên điều trị mà cần tiến hành xử lý.
- Đối với yếu tố lây truyền: các biện pháp này có mục đích làm cho yếu tố có khả năng lan truyền không mang mầm bệnh.
- Tiêu độc:
+ Cơ giới (quét dọn vệ sinh)
+ Hóa dược
+ Vi sinh vật: Ủ phân nhiệt độ cao giết chết vi sinh vật.
- Tiêu diệt côn trùng
- Xử lý xác chết: Hố chon xác động vật phải xa nơi có nguồn nước ngầm và phải có đủ độ sâu tối thiểu 1m.
- Đối với động vật thụ cảm: Tăng sức đề kháng không đặc hiệu bằng các biện pháp về sinh ăn uống, về sinh cơ thể, chuồng trại…
- Chọn lọc, tạo giống có sức đề kháng bệnh.
- Tạo miễn dịch bằng vacxin.
Ta có thể tiến hành tiêm phòng theo mùa vụ và tiêm phòng bổ sung cho gia súc non.
 
Thành Long (Tổng hợp)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×