Các sáng chế của các trường Đại học trong mùa dịch Covid-19

Chủ nhật, 29/03/2020

Các máy rửa tay sát khuẩn tự động do nhóm SV Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng chế tạo đã được sử dụng thử nghiệm tại Bệnh viện Đà Nẵng trong hai ngày 25-26/3, phục vụ mỗi ngày 1.000 lượt người dùng.

1. Sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng thử nghiệm máy rửa tay tự động ở bệnh viện


Các máy rửa tay sát khuẩn tự động do nhóm SV Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng chế tạo đã được sử dụng thử nghiệm tại Bệnh viện Đà Nẵng trong hai ngày 25-26/3, phục vụ mỗi ngày 1.000 lượt người dùng. 



Máy rửa tay sát khuẩn tự động do nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng chế tạo có dung tích 1,5 lít 
"Bệnh viện là nơi có hàng ngàn lượt người ra vào hàng ngày, máy rửa tay sát khuẩn sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong tình hình dịch Covid-19" - anh Ngô Đình Thanh - giảng viên hướng dẫn nhóm sinh viên Khoa Điện - Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐH Đà Nẵng chế tạo sản phẩm chia sẻ về ý nghĩa sáng chế máy rửa tay sát khuẩn tự động.Anh Thanh cho biết, hiện các máy rửa tay sát khuẩn tự động đầu tiên đã được sử dụng thử nghiệm tại Bệnh viện Đà Nẵng trong hai ngày 25 và 26/3, phục vụ trung bình mỗi ngày 1.000 lượt người dùng. Chỉ cần đưa tay lại gần vòi thì nước rửa tay sát khuẩn sẽ tự động phun xịt theo cơ chế cảm ứng. Điều này giúp cho người dùng không phải chạm tay vào bình xịt, giảm nguy cơ lây nhiễm khi chạm tay vào bề mặt bình dung dịch rửa tay sát khuẩn như thông thường. 


Nhóm nghiên cứu chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động hoàn thành sản phẩm để đưa vào sử dụng thử nghiệm trong 3 ngày


Trong 2 ngày đầu sử dụng thử nghiệm tại Bệnh viện Đà Nẵng, thiết bị nhận được phản hồi tích cực từ các y, bác sĩ, bệnh nhân và người nhà

Với nhóm sinh viên đã từng tham gia nhiều dự án chế tạo sản phẩm tương tự ở ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng thì việc nghiên cứu, chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động không quá khó. Nhóm đã mất thời gian có khoảng 3 ngày để chế tạo sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm ở đây có tính khác biệt là dùng trong môi trường bệnh viện nên cần thời gian sử dụng thử nghiệm thực tế.Để sản phẩm có tính ứng dụng cao ở môi trường bệnh viện, nhóm sinh viên chế tạo đã nhận được nhiều góp ý thiết thực từ chính các y, bác sĩ. Ví dụ như các bác sĩ góp ý sản phẩm rất tiện dụng, hiện đại; tuy nhiên lượng dung dịch mỗi lần rửa tay chưa đủ liều lượng.  

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu sáng chế cũng xin ý kiến phản hồi từ bệnh nhân và người nhà. Từ đó, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện sản phẩm sát nhu cầu sử dụng thực tiễn hơn trước khi sản xuất số lượng lớn hơn.
 

2. Đại học Đà Nẵng sáng chế máy đo thân nhiệt từ xa với chi phí dưới 10 triệu đồng


Thiết bị do nhóm nghiên cứu của ĐH Đà Nẵng sáng chế có chi phí chưa đến 10 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với các máy đo thân nhiệt từ xa trên thị trường hiện nay có giá từ 300 - 400 triệu đồng. 

Ngày 20/3, thông tin từ ĐH Đà Nẵng cho biết, nhà trường vừa đưa vào sử dụng thiết bị đo thân nhiệt từ xa; góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thiết bị này do nhóm nghiên cứu Động cơ sử dụng năng lượng tái tạo (GATEC) ở Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng nghiên cứu, sáng chế.


Thiết bị đo thân nhiệt từ xa do nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng sáng chế vừa được đưa vào sử dụng tại trụ sở 41 Lê Duẩn, Đà Nẵng.

Theo GS.TSKH. Bùi Văn Ga - trưởng nhóm GATEC cho biết, thiết bị đo thân nhiệt từ xa có cấu tạo gồm 1 máy đo thân nhiệt hồng ngoại thông dụng (hoặc cảm biến nhiệt độ hồng ngoại), 1 webcam, một laptop hay iPad, điện thoại thông minh để đọc kết quả. Kết quả đo sẽ được camera chuyển đến màn hình của nhân viên y tế qua internet. 


GS.TSKH. Bùi Văn Ga - trưởng nhóm nghiên cứu của ĐH Đà Nẵng chia sẻ sẵn sàng chuyển giao công nghệ để các đơn vị tự chế tạo


Thiết bị đo thân nhiệt từ xa giúp nhân viên y tế giữ được khoảng cách an toàn khi không phải tiếp xúc trực tiếp, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo chủng mới của virus corona trong mùa dịch bệnh


Điểm nổi bật của thiết bị công nghệ này là có thể tự động điều chỉnh chiều cao phù hợp với người được đo thân nhiệt

 
 
Điểm nổi bật của thiết bị này là hệ thống nâng hạ chiều cao tự động để điều chỉnh cụm máy đo nhiệt độ-camera phù hợp với chiều cao người cần đo để đảm bảo độ chính xác. GS.TSKH. Bùi Văn Ga chia sẻ, với thiết bị đo thân nhiệt từ xa, nhân viên y tế có thể giữ được khoảng cách an toàn, hạn chế sự lây nhiễm chéo hơn so với việc sử dụng nhiệt kế hồng ngoại để đo trực tiếp như cách thường làm hiện nay. Song các máy đo thân nhiệt từ xa hiện nay có giá từ 300 - 400 triệu đồng, giá thành quá cao và cũng quá lãng phí khi về lâu dài đây không phải là trang thiết bị sử dụng thường xuyên. 

Do đó, nhóm GATEC đã cùng nghiên cứu, sáng chế thiết bị đo thân nhiệt từ xa với chi phi chưa đến 10 triệu đồng. Với mức chi phí này, nhiều đơn vị có thể đầu tư để tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Với mong muốn phổ biến rộng rãi công nghệ này, nhóm nghiên cứu khoa học công nghệ của ĐH Đà Nẵng chia sẻ sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho cơ quan, trường học, doanh nghiệp… để tự chế tạo; hoặc nhóm sẽ chế tạo, cung cấp không lợi nhuận. 
Minh Hoàng tổng hợp (Theo Dân trí)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×