Tài năng trẻ
Cô gái Đà Nẵng giành học bổng đại học số 1 thế giới
Thứ tư, 09/07/2025

Từng lo lắng vì hồ sơ thiếu yếu tố quốc tế, chưa đi trao đổi ở nước ngoài, Hạnh Nguyên vờ òa vì trúng tuyển Đại học Oxford.
Phí Hạnh Nguyên, 22 tuổi, là sinh viên ngành Sư phạm Tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng. Đầu tháng 5, Nguyên trúng tuyển học bổng toàn phần của Đại học Oxford trị giá gần 60.000 bảng (hơn 2,1 tỷ đồng), gồm toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho một năm học thạc sĩ ngành Giáo dục, chuyên ngành Đổi mới công nghệ và xã hội.
Oxford là đại học lâu đời nhất nước Anh, 9 năm liên tiếp ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng thế giới của Times Higher Education. Hạnh Nguyên nói tự hào khi nhận học bổng, bởi đây là thành quả của một hành trình với nhiều nỗ lực và thử thách.

Phí Hạnh Nguyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hạnh Nguyên nghĩ tới du học thạc sĩ từ tháng 3/2024, khi đang học cuối năm thứ ba. Nữ sinh xác định Anh là điểm đến, vì yêu thích văn hóa nước này từ khi còn là học sinh chuyên Anh, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Trong nửa năm, Nguyên tìm hiểu nhiều trường, nhưng không dám chọn Oxford vì nghĩ không đủ sức. Cho tới khi tình cờ đọc được bài chia sẻ của một cựu sinh viên Việt Nam ở đây, kể hành trình vượt qua giới hạn bản thân để có mặt tại ngôi trường top 1 thế giới, Nguyên được truyền cảm hứng.
"Tại sao mình không thử?", Nguyên tự động viên bản thân.
Trong thư động lực, Nguyên kể về niềm yêu thích giảng dạy từ những ngày còn học mẫu giáo. Khi đó, em dùng búp bê, giả làm học sinh, còn mình là giáo viên đứng lớp. Ước mơ trở thành giáo viên đưa Nguyên tới ngành Sư phạm.
Quá trình tham gia hoạt động của trường và ở địa phương, Nguyên thấy nhiều trẻ em ham học nhưng thiệt thòi, không được học hành đầy đủ. Vì vậy, cô mong có thể dùng công nghệ để giúp học sinh khó khăn tiếp cận giáo dục tiên tiến.
"Mình chọn chuyên ngành Đổi mới công nghệ và xã hội không chỉ vì xu hướng, mà tin rằng công nghệ là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách trong giáo dục", Nguyên lý giải.
Về giải thưởng và thành tích ngoại khóa, Nguyên là sinh viên duy nhất trong Hội đồng trường Đại học Ngoại ngữ, cùng với lãnh đạo thành phố và ban giám hiệu. Nguyên còn đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp thành phố và cấp trung ương.
Nguyên cho rằng hai thành tích này là một điểm nhấn của hồ sơ, giúp cô thể hiện khả năng học tập, lãnh đạo, cùng sự tín nhiệm của thầy cô với mình.
Hồ sơ còn yêu cầu ứng viên nộp hai bài viết khoa học với dung lượng khoảng 2.000 từ một bài, bàn về một vấn đề liên quan tới ngành muốn ứng tuyển. Nguyên cho biết bài này có thể viết mới, hoặc trích từ các nghiên cứu đã có rồi bàn luận.
Nguyên tham gia nghiên cứu khoa học từ năm thứ nhất, vì muốn rèn kỹ năng nghiên cứu. Vì thế, cô đã có một số đề tài từ năm thứ hai và ba, đưa vào hồ sơ du học.
Nghiên cứu năm thứ hai của Nguyên tìm cách giúp sinh viên tận dụng nguồn học liệu mở trực tuyến, còn đề tài thực hiện ở năm thứ ba bàn về việc dùng ChatGPT để nâng cao khả năng viết của sinh viên. Cả hai đều đạt giải cấp trường và của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, Nguyên còn có hai nghiên cứu khác, về ảnh hưởng của việc học trực tuyến trong giai đoạn Covid-19, và tác động của việc sử dụng AI tới khả năng tư duy bậc cao.
Theo Nguyên, hồ sơ của mình có sự thống nhất giữa động lực, mục tiêu và các nghiên cứu, bởi đều liên quan tới giáo dục và công nghệ. Tuy nhiên, điều khiến cô không tự tin là quy mô nghiên cứu dừng ở mức trường hoặc cộng đồng sinh viên ở Đà Nẵng, sức tác động không quá rõ nét.
Dù vậy, cô cho rằng chúng thiết thực và sâu sát với sinh viên. Từ đó, Nguyên đã có nhiều đề xuất về quyền lợi của sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ trong thời gian là thành viên của hội đồng trường, như cải tiến hệ thống tài liệu số trên thư viện.
Điểm bất lợi mà Nguyên thấy là hồ sơ của mình thiếu yếu tố quốc tế. Nguyên học chương trình đại học trong nước, không tham gia các chương trình trao đổi ở nước ngoài. Ban đầu, cô lo lắng, nhưng quá trình đánh giá lại hồ sơ giúp Nguyên có cái nhìn khác.
Tính quốc tế trong hồ sơ của Nguyên thể hiện qua các chương trình giao lưu, gặp gỡ với sinh viên nước ngoài; các hội thảo quốc tế. Gần đây, Nguyên góp mặt trong Hội nghị cấp cao ASEAN với vai trò phiên dịch viên.
"Vẫn có cơ hội quốc tế hóa, hội nhập hóa hồ sơ mà không phải ra nước ngoài", Nguyên nói.
Nguyên nộp hồ sơ vào cuối năm 2024, đợi khoảng hai tháng thì nhận tin vào vòng phỏng vấn, diễn ra sau hai tuần. Thời gian này, cô hình dung, tự đặt một số câu hỏi, rồi tập trả lời với cố vấn. Biết Oxford mạnh về nghiên cứu, nên phần Nguyên luyện nhiều là nói về các đề tài đã thực hiện, điểm tâm đắc và tác động, ý nghĩa của chúng.
Câu hỏi khiến Nguyên hơi bất ngờ là đề tài mà cô sẽ thực hiện khi học thạc sĩ. Dù chưa chuẩn bị, Nguyên vẫn trả lời được câu hỏi này, vì từng nghĩ đến. Nguyên ấp ủ có một nghiên cứu về AI cùng những tác động của nó tới giáo viên.
Tháng 3 vừa qua, khi đang trong tiết dạy Tiếng Anh ở trường chuyên Lê Quý Đôn - nơi thực tập, cô nhận mail thông báo trúng tuyển.
"Mình vỡ òa. Học sinh thấy cô cứ cười mãi thì hỏi thăm, rồi chúc mừng", Nguyên nhớ lại.
Hồ sơ của ứng viên trúng tuyển được trường tự động xét học bổng. Với Nguyên, đỗ Oxford đã vượt ngoài mong đợi, cô không ngờ mình được trao thêm học bổng toàn phần.

Hạnh Nguyên tại Hội nghị cấp cao ASEAN với vai trò phiên dịch viên, năm 2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Chu Công Sơn, tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Oxford, Giám đốc Công ty tư vấn D.U.T Consultant, là cố vấn của Hạnh Nguyên. Thời điểm biết Nguyên vào giữa năm 2024, anh Sơn thấy đây là ứng viên tiềm năng, nhưng viết CV học thuật chưa tốt.
"Nguyên nhút nhát và hơi thiếu tự tin, nên chưa biết cách thể hiện mình trong hồ sơ, CV lẫn cách trả lời phỏng vấn", anh Sơn nói.
Anh nhìn nhận về mặt học thuật, Hạnh Nguyên không cần cải thiện gì nhiều. Trong nửa năm đồng hành, anh chủ yếu giúp truyền niềm tin và sự tự tin cho Nguyên.
"Bốn năm đại học, Nguyên đạt tới 30 giải thưởng lớn, nhỏ, ba lần liên tiếp đạt Sinh viên 5 tốt từ cấp trường tới thành phố, trung ương", anh Sơn nói.
Tháng 9 này, Nguyên sẽ tới Anh để bắt đầu hành trình ở Oxford. Cô dự định song song học tập sẽ tham gia nghiên cứu cùng các giảng viên, nhằm có nền tảng và kinh nghiệm để tiếp tục học cao hơn.
Nhìn lại hành trình, Nguyên thấy may mắn vì đã dám bước qua rào cản tâm lý. Cô cho rằng để vươn ra thế giới, hồ sơ đẹp và thành tích nổi bật quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Sự chân thành, nỗ lực, câu chuyện cá nhân nhất quán cùng mong muốn học hỏi, tạo ra giá trị cho cộng đồng sẽ giúp người trẻ "mơ lớn".
Theo Vnexpress.net
Bài viết cùng chuyên mục
- Nữ sinh Khoa học máy tính tốt nghiệp thủ khoa Đại học Công nghệ
- Cô gái duy nhất tốt nghiệp Sư phạm Hà Nội với điểm tuyệt đối
- Nữ sinh Hà Nội với ‘cú ăn ba’ thủ khoa chuyên Anh thi lớp 10
- Nữ sinh là thủ khoa, á khoa thi lớp 10 ba trường chuyên
- Trở thành kỹ sư ở Google sau hai năm tự luyện phỏng vấn
- Cô gái Việt ứng dụng AI ở hãng hàng không lâu đời nhất Mỹ
- Nữ sinh UEF chuyển tiếp du học Nhật Bản nhờ thành tích tốt
- Anh em sinh đôi giành ngôi thủ khoa và á khoa chuyên Lý
- Nam sinh được nhận xét ‘siêu cao thủ’ là thủ khoa thi lớp 10 cả 2 trường chuyên
- Nữ sinh đỗ thủ khoa thi lớp 10 với điểm Toán tuyệt đối
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận