Kỹ thuật chăn nuôi vịt (Phần 1)

Thứ ba, 14/08/2018

Nghề chăn nuôi vịt hiện nay không những giảm được chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường
          Nghề chăn nuôi vịt hiện nay không những giảm được chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường

I. MỘT SỐ GIỐNG VỊT, NGAN PHỔ BIẾN Ở NƯỚC TA

1. Các giống vịt

*Vịt CV. Super M,M2, M2 cải tiến
 
- Có nguồn gốc từ Anh, là giống vịt chuyên thịt có lông màu trắng
- Vịt có thể trọng lớn, khả năng tự kiếm mồi kém, thiên về hướng chăn nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh. Vịt có thể nuôi trên khô không cần bơi lội; nuôi kết hợp cá- vịt
- Vịt thương phẩm nuôi nhốt (56 ngày tuổi) hoặc nuôi nhốt kết hợp với chăn thả có khoanh vùng (70 ngày tuổi) đạt khối lượng 3- 3,4kg/con, tiêu tốn thức ăn 2,6- 2,8kg/1kg tăng trọng.
 

* Vịt bầu

- Bao gồm: Bầu Quỳ, Bầu Bến; thịt thơm ngon, có màu lông chủ yếu là cánh sẻ, ngoài ra còn một số màu như: Xám, lang trắng đen, có cả đen và trắng tuyền…
- Là giống vịt chuyên dụng, có khả năng thích ứng với các điều kiện nuôi cổ truyền quảng canh và thâm canh
- Vịt có khối lượng cơ thể 2- 2,5kg, tuổi đẻ là 22- 23 tuần, năng suất trứng đạt 150- 160 quả/mái/năm; khối lượng trứng 70- 80g/quả. Vịt nuôi thương phẩm 70 ngày tuổi đạt khối lượng 1,5- 1,8kg/con.

2. Các giống ngan

* Giống ngan nội


Ngan (có nơi gọi là vịt Xiêm), thịt thơm ngon, màu hồng, tỷ lệ thân thịt đạt 67- 68%; căn cứ vào ngoại hình, người ta chia ngan thành 3 loại:
- Ngan Dé: Lông trắng tuyền, 4 tháng tuổi ngan mái có trọng lượng 1,7- 1,75kg/con; ngan trống đạt 2,8- 2,9kg/con. Năng suất trứng đạt 65- 70 quả/mái/năm. Khả năng ấp trứng tốt.
- Ngan Sen: Lông màu loang đen trắng, 4 tháng tuổi ngan mái đạt 1,7- 1,8kg/con; con trống 2,9- 3,0kg/con; năng suất trứng 65 quả/mái/năm. Con mái ấp và nuôi con rất khéo.
- Ngan Trâu: Màu lông đen tuyền, có tầm vóc to thô, dáng đi nặng nề. Khối lượng con mái 1,8- 3kg/con; trống 3,2kg/con. Tuổi đẻ 28- 30 tuần; sản lượng trứng 60- 65 quả/mái/năm.

* Các giống ngan nhập nội

Hiện nay có 3 dòng ngan được nhập từ Pháp: R31, R51 và R71.

- Ngan R31: Được nhập về Việt Nam từ 1992; ngan bố mẹ và thương phẩm có màu lông trắng đen (hoa mơ). Ngan thương phẩm nuôi 10 tuần tuổi, con trống đạt 4,0- 4,5kg/con, con mái đạt 2,6- 2,75kg/con. Tiêu tốn 2,8- 2,9kg thức ăn cho 1kg tăng trọng.

- Ngan R51: Được nhập về Việt Nam từ 2001, ngan có màu lông trắng và có đốm ở đầu (ngan bố mẹ và ngan thương phẩm có đốm đầu đen và nâu), hoặc trắng tuyền. Ngan nuôi 10 tuần tuổi, con trống đạt 3,6- 4kg/con, con mái đạt 2,2- 2,4kg/con. Lượng thức ăn tiêu tốn 2,7- 2,8kg/1kg tăng trọng.

- Ngan R71: Được nhập về Việt Nam các năm 2001 và 2005, gồm có 3 dòng: Nhẹ cân, trung bình và nặng cân (siêu nặng). Ngan có lông màu trắng, có đốm đầu đen và nâu hoặc trắng tuyền. Nuôi 10 tuần tuổi, ngan mái đạt 2,3- 2,5kg/con (dòng nhẹ cân), 2,5- 2,7kg/con (dòng trung bình) và 2,7- 3,0kg/con (dòng siêu nặng). Nuôi 12 tuần tuổi; ngan trống đạt 4,5- 4,6kg/con (dòng nhẹ cân), 4,7- 4,9kg/con (dòng trung bình) và 5- 5,5kg/con (dòng siêu nặng). Lượng thức ăn tiêu tốn 2,7- 2,8kg/1kg tăng trọng.

* Đặc điểm của các dòng ngan Pháp
- Thịt trắng, thơm, độ dày phần ức lớn nên tỷ lệ cho thịt nhiều
- Thích nghi được ở nhiều vùng sinh thái, phương thức chăn nuôi có thể thả vườn, nuôi nửa cạn, nửa nước hoặc có thể nuôi nhốt
- Thức ăn đơn giản như nuôi ngan nội, gồm: Rau, bèo, cám, thức ăn thừa của lợn…

          * Vịt lai ngan

          Lợi dụng tính chất đẻ liên tục của vịt mái cỏ lai ở các vùng Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (Nghệ An), thả ngan trống vào đàn vịt mái, lấy trứng ấp sẽ cho ra thế hệ vịt lai ngan. Trống và mái có trọng lượng bằng nhau khi trưởng thành. Vịt lai ngan không sinh sản được, nhưng cho sản phẩm thịt và gan béo rất có giá trị. Chất lượng thịt của vịt lai ngan ngang bằng thịt ngan. Hiện nay, vịt lai ngan đang được thị trường ưa thích và khá được giá.

 
II. CHUẨN BỊ CÁC ĐIỀU KIỆN NUÔI

1. Chuẩn bị chuồng nuôi


- Chuồng làm đơn giản bằng gỗ, tre, nứa, lợp lá hoặc làm kiên cố thì xây gạch lợp ngói hoặc tấm lợp fibro xi măng
- Chuồng nên làm xa khu dân cư và đường xá đi lại nhằm tránh âm thanh, ánh sáng mạnh và đột ngột
- Chuồng phải đảm bảo ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè, chống được chuột và thú hoang
- Nền chuồng lát gạch hoặc láng xi măng có độ dốc thoát nước để tiện cho việc cọ rửa, vệ sinh, tẩy uế khi cần thiết
- Độn chuồng bằng trấu, phôi bào hoặc rơm rạ băm nhỏ, đảm bảo khô sạch không bị hôi mốc
- Nếu nuôi nhốt phải có sân chơi (diện tích sân chơi phải bằng 2- 3 lần diện tích chuồng), có bể bơi. Sân chơi phải có cây bóng mát để vịt, ngan tránh nắng. Khu chuồng, sân chơi, bể bơi phải được rào hoặc quây lưới để vịt, ngan không ra ngoài
 

2. Yêu cầu về diện tích

Tùy thuộc vào độ tuổi, loại giống và phương thức chăn nuôi; người chăn nuôi phải căn cứ vào đàn vịt, ngan mà chuẩn bị chuồng nuôi theo mức sau:
 
Độ thuổi Nhu cầu diện tích chuồng
Từ 1- 10 ngày 25- 35 con/m2 chuồng
Từ 11- 30 ngày 15- 20 con/m2 chuồng
Từ 30 ngày trở lên 5- 6 con/m2 chuồng

3. Máng ăn, máng uống- Máng ăn

Ở giai đoạn vịt ngan con, Dùng máng tôn, mẹt tre hoặc tấm ni lông cho vịt ngan ăn; có thể xây bằng gạch hoặc bê tông, máng tôn có kích thước rộng 50 cm, dài 70- 90 cm; sử dụng cho 40- 60 con/máng (khay).
- Máng uống: Giai đoạn 1- 4 tuần tuổi sử dụng máng uống tròn loại 2 lít; giai đoạn 5- 12 tuần tuổi sử dụng máng tròn loại 5 lít, dùng cho 20- 30 con/máng đảm bảo cung cấp 0,3- 0,5 lít nước/con/ngày. Máng uống phải cách xa máng ăn ít nhất 2,5m hoặc để ngoài sân chơi tránh làm ướt chuồng nuôi.

4.  Chụp sưởi

Có thể dùng hệ thống lò sưởi hay bóng điện đảm bảo cung cấp đủ nhiệt cho vịt, ngan con. Dùng bóng điện 100w/1 quây (60- 70 con), mùa đông 2 bóng/1 quây.

5. Quây

Dùng cót ép làm quây, cao 2,5m, dài 4,5m, sử dụng cho 60- 70 con/quây.

6. Rèm che

Dùng vải bạt, cót ép hoặc phên liếp che xung quanh chuồng để tránh gió lùa.
Chú ý: Chuồng nuôi và dụng cụ phải được cọ rửa sạch sẽ, để trống chuồng trước khi nuôi 15- 20 ngày và được xử lý theo quy trình vệ sinh thú y, quét vôi đặc 40%, khử trùng bằng Foóc môn 0,5%.
 
 
III. CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG VỊT, NGAN CON (nuôi gột)

1. Chọn vịt, ngan con

Phải chọn những con nở đúng ngày tuổi (vịt 28 ngày, ngan 34- 35 ngày); khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, lông bóng mượt, rốn khô, mắt sáng, bụng gọn, không bị khèo chân, không hở rốn, vẹo mỏ; có màu sắc lông đặc trưng của giống.

2. Chuẩn bị chuồng

Chuồng phải được dọn sạch trước khi đưa vịt, ngan con về nuôi, phải tẩy uế khô ráo và rải chất độn chuồng. Bật đèn (lò sưởi) cho ấm chuồng trước khi cho vịt, ngan vào. Chú ý quây lưới, cót chống chuột.

3. Cách cho vịt, ngan con ăn

Vịt, ngan con sau khi nở khô lông, thả vào quây cho uống nước sạch, sau 3- 4 giờ mới cho ăn. Phải cho ăn nhiều bữa trong ngày đảm bảo chúng luôn được ăn no; thức ăn phải đảm bảo mới, thơm và không bị mốc.
- Giai đoạn 0- 4 tuần tuổi: Dùng thức ăn tổng hợp hay đậm đặc, trộn thêm theo hướng dẫn rồi cho ăn. Có thể dùng thức ăn địa phương như: Gạo, thóc, ngô, đậu tương, tấm, cám, cá, tép, cua ốc… bã bia, bã rượu, khoai, rau, bèo…
Kinh nghiệm một số nơi, dùng gạo rượu nấu cơm sau đó trộn theo tỷ lệ:
01kg cám đậm đặc gia cầm/3kg cơm (lúc vịt, ngan dưới 15 ngày tuổi)
01kg cám đậm đặc gia cầm/4- 5kg cơm (khi vịt, ngan trên 15 ngày tuổi)
- Đối với mồi tươi như đầu tôm, vỏ tôm…cần ngâm trong rỉ mật khoảng 1 tuần, lấy ra trộn với thức ăn tự có.
- Với thức ăn hỗn hợp nên sử dụng dạng viên hoặc hạt sẽ tránh được lãng phí hơn so với dạng bột, thức ăn phải rắc đều và rộng để tất cả vịt, ngan đều được ăn cùng một lúc.
- Cho ăn tự do, đảm bảo nhu cầu của vịt, ngan. Tuy nhiên để đạt hiệu quả chuyển hóa tốt thức ăn, cần cho ăn theo bữa; hết thức ăn cũ mới cho ăn tiếp để cám thường xuyên mới và mùi thơm của cám sẽ kích thích vịt ngan ăn nhiều và để tránh mổ, cắn nhau.

4. Yêu cầu về nước uống
- Vịt, ngan là thủy cầm nên cần rất nhiều nước uống. Nước phải đảm bảo trong, sạch. Khi nuôi theo phương thức nuôi khô, thì lượng nước phải tăng gấp đôi, vì ngoài uống, vịt, ngan còn sử dụng nước để vẩy lên tắm khô. Lưu ý, ở tuần tuổi thứ nhất không cho uống nước lạnh dưới 10 độ C và cũng không quá nóng trên 20 độ C. Nhu cầu nước uống trung bình của vịt, ngan như sau:
1- 7 ngày tuổi:    120ml/con/ngày
8- 14 ngày tuổi:   250ml/con/ngày
15- 28 ngày tuổi: 350ml/con/ngày
Nước uống giai đoạn sau 5- 8 tuần cần 0,4- 0,6 lít/con/ngày. Ở giai đoạn này, máng ăn vẫn để trong chuồng nuôi, còn máng uống nên bố trí ngoài sân chơi để tránh bị ướt chuồng; máng uống không để quá xa nơi vịt, ngan ăn.

5. Yêu cầu về nhiệt độ, ẩm độ và ánh sáng
  • Nhiệt độ:
Cần quan sát trạng thái của vịt, ngan bằng mắt thường để điều chỉnh nhiệt độ hợp lý. Nhiệt độ đảm bảo cho vịt, ngan con đủ ấm, nằm rải rác đều trong quây, như sau:
+ Tuần 1: 31- 32 độ C
+ Tuần 2: 30- 31 độ C
+ Tuần 3: 29- 30 độ C
+ Tuần 4: 26- 27 độ C
  • Ẩm độ:
Ẩm độ thích hợp cho vịt, ngan con là 60- 70%, song ở nước ta ẩm độ không khí rất cao, có khi lên đến 80- 90% làm cho nền chuồng ướt dễ gây nhiễm bệnh cho ngan, vịt con. Cần thường xuyên thay chất độn chuồng, đảm bảo chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ.
  • Ánh sáng:
Ở 3 tuần đầu, chiếu sáng 24/24h; 4- 6 tuần tiếp theo giảm dần 20- 16h/ngày. Bóng treo cách nền chuồng 0,3- 0,5m đảm bảo 10w/1m2 chuồng nuôi. Từ 8- 10 tuần tuổi sử dụng ánh sáng tự nhiên.

 
(Còn nữa)
 
                                                                ĐH
                                Nguồn: Dự án KHCN Nông nghiệp No.2283- VIE (SF)
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×