Những câu chuyện nghị lực nghị thường

Thứ hai, 18/03/2019

Những dẫn chứng về bản lĩnh sống ? tấm gương về nghị lực sống?

1. Nghị lực phi thường của cô bé không tay


Vừa cất tiếng khóc chào đời, số phận đã không cho em được cơ thể lành lặn như bao người khác. Nhưng bé Nguyễn Như Linh (ở thôn Trung, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn có thể làm mọi việc bằng đôi chân bé nhỏ của mình, khiến mọi người yêu mến và nể phục.

Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay, nhưng Nguyễn Như Linh thì khó cả tứ chi. Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, em đã được các bác sĩ chuẩn đoán bị dị tật, không có cánh tay. Thân hình bé nhỏ, chân tay khoằn khèo, nên lúc nào trông bé Linh cũng như một cơ thể thiếu sức sống. Bước đi của em vẹo vọ, thân hình nghiêng ngả nên chẳng bao giờ em có thể đứng thẳng được. Trông thấy hình ảnh của cô bé, từ người thân gia đình đến hàng xóm ai cũng cảm thấy thương cảm.


Dù không có được một cánh tay lành lặn, nhưng Linh vẫn tự tập đọc, tập viết và viết chữ rất đẹp
 
Anh Nguyễn Anh Tuấn (33 tuổi), cha của bé Linh xúc động kể dù đã được các y bác sĩ cho biết trước, dù đã được chuẩn bị tâm lý, nhưng khi con chào đời vẫn khiến cả gia đình cảm thấy bàng hoàng và xót xa. Cơ thể bé Linh tiều tụy, yếu rớt mồng tơi, thường xuyên bị viêm nhiễm, viêm phổi mãn tính, 2 cánh tay chỉ còn một mẩu, ngắn tũn nên bên chân bị khoèo, chỉ còn 4 ngón, khuôn mặt biến dáng bởi u. Vì vậy, bé Linh đã phải trải qua nhiều ca phẫu thuật khắc nghiệt để có thể sống sót, khiến cơ thể vốn đã yếu lại càng trở nên yếu hơn.

Thương con đến cháy lòng, nhưng hai vợ chồng chỉ biết nuốt lệ vào tim, động viên nhau cố gắng nuôi con vượt qua những tháng ngày bệnh tật. Gia cảnh neo nghèo, lại thêm bệnh tật trầm trọng, khiến mọi của cải trong nhà anh chị cứ “đội nón ra đi”. Vì sự thiệt thòi đó của cô con gái nhỏ mà anh Tuấn chị Nương chỉ biết bù đắp cho con bằng tình thương và sự quan tâm, chăm sóc.

Tuy nhiên, bằng nghị lực và khát vọng sống phi thường, cô bé đã khiến mọi tất cả mọi người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Dù chân tay bị khoèo, không có đôi tay nhưng cô bé vẫn tự vịn cằm vào ghế đứng dậy và tập đi. Hình ảnh Nick Vujicic, một người khuyết tật, không có cánh tay, người đã truyền cảm hứng sống cho biết bao người cũng đã giúp chị và bé Linh tìm thấy điểm tựa tinh thần.

Chẳng những có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình, cô bé còn có thể làm được tất tật mọi thứ cho mình, từ vệ sinh cá nhân đến xếp quần áo, quét nhà phụ mẹ, tập đi xe đạp và viết chữ. Thấy bé khiếm khuyết lại yếu ớt nên ban đầu anh chị không cho con đi học, nhưng Linh đã khóc xin đi học bằng được mới thôi.

Người đồng hành với Như Linh trong quá trình “tự lập”, học viết bằng chân chính là mẹ bé. Chị Nương cho biết thời gian đầu bé học viết chữ bằng chân nên đôi chân mỏi lắm, có lúc sưng phồng, chị phải xoa bóp, mát xa chân cho con. Chị cũng là người bạn đồng hành với Linh, giúp cô con gái chịu nhiều thiệt thòi của mình tự tin và có thể tự làm mọi việc.

Dù đã trải qua lớp học mầm non và có thể viết chữ bằng chân, nhưng khi vào lớp 1, cả nhà ai cũng lo lắng và nghĩ Linh không theo được các bạn. Vốn chăm chỉ và có nghị lực, năm nào cô bé cũng đứng đầu lớp, và đặc biệt là em viết chữ rất đẹp.

Chia sẻ về cô học trò nhỏ Nguyễn Như Linh, cô giáo Nguyễn Thị Huyền cho biết, Linh là cô bé đầy nghị lực và có tinh thần ham học. Như Linh cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi vinh dự 2 lần được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức vì đã có thành tích vượt khó vươn lên trong học tập. Vượt qua những khiếm khuyết của bản thân, cô bé Như Linh vẫn sống một cách vui vẻ, hòa đồng với bạn bè, với mọi người và trở thành tấm gương sáng về nghị lực sống.

Do bệnh tật, dù đã vào lớp 3 nhưng cô bé giờ chỉ cao 80cm, nặng 14kg, nhưng Linh vẫn kiên cường vươn lên, tấm gương của cô bé đã mang lại nghị lực và niềm tin cho biết bao người tiến về phía trước, chiến thắng số phận, chiến thắng cuộc đời.
 

2. Nghị lực của cô học trò mang bệnh ác tính


Ở cái tuổi 18 rất đẹp hồn nhiên, Nguyễn Ngọc Thùy Dương là một đứa con ngoan trong gia đình, là học sinh giỏi được thầy cô, bạn bè yêu mến. Nhìn vẻ bên ngoài Thùy Dương khỏe mạnh, không ai biết được căn bệnh ung thư xương ác tính đã di căn đang đe dọa mạng sống của Thùy Dương từng ngày.

Căn nhà của vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tuấn và chị Nguyễn Thị Thủy, ba mẹ của Thùy Dương được sửa lại cách đây không lâu nhưng lúc nào cũng cửa đóng then cài, như thể không muốn tiếp xúc với ai cả. Trước đây, vợ chồng anh Tuấn thuộc hộ nghèo của ấp Hậu Thuận, xã Hậu Thành,  huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Với 2.000m² do cha mẹ để lại trồng cây ăn trái để sinh sống, vợ chồng anh Tuấn làm quần quật, tiết kiệm để có được chút ít sửa lại căn nhà ọp ẹp và được chính quyền địa phương công nhận là hộ nông dân sản xuất giỏi.

Năm 2001, em Nguyễn Ngọc Thùy Dương chào đời, vợ chồng anh Tuấn rất vui. Nhưng đến năm 2017, tinh thần lạc quan của gia đình gần như sụp đổ khi phát hiện Thùy Dương mang trong người căn bệnh ung thư xương ác tính.


Dù bị những cơn đau hành hạ do căn bệnh ung thư xương quái ác nhưng không làm nản chí ước mơ của Dương
 
Thùy Dương là đứa con ngoan, 11 năm liền là học sinh giỏi. Ngày còn khỏe mạnh, Thùy Dương rất nhanh nhẹn. Một ngày tháng 10/2017, trên đường đạp xe đi học Dương bị vấp ngã đau ở đầu gối chân trái, gia đình đưa Dương vào bệnh viện kiểm tra thì không phát hiện ra bệnh, bác sĩ kê đơn thuốc về uống nhưng cũng không thấy đỡ, vợ chồng anh Tuấn đưa Dương lên bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình ở TP Hồ Chí Minh để kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán Dương bị ung thư xương cần phải sử dụng phương pháp hóa trị để điều trị.

"Nghe bác sĩ thông báo cháu mắc bệnh ung thư xương, nếu không điều trị thì chỉ sống được vài tháng, vợ chồng tôi như chết lặng. Hai vợ chồng muốn bỏ hết tất cả để lo cho cháu. Lúc đó cháu đang học lớp 11. Điều trị được hơn 1 tháng, cháu bảo hóa trị xong sẽ về học lại...", chị Thủy nấc nghẹn không nói hết câu.

Trong thời gian nghỉ học để điều trị hóa trị, sợ mất bài vở thua kém bạn bè, Dương đã nhờ bạn chép giùm bài, về nhà là vào ngay vào bàn học. Tất cả thời gian Dương chỉ dành cho việc học để bù lại những ngày đã nghỉ vì điều trị bệnh. Sau 6 lần hóa trị, tóc của Dương đã rụng hết. Nhưng Dương vẫn không nghỉ mà đội tóc giả đến trường. Dương chỉ mong học thật giỏi để đền ơn cho ba mẹ và những người xung quanh dõi theo chăm lo cho Dương. Tuy nhiên, sau 6 lần hóa trị, căn bệnh của Dương không giảm bớt mà ngày càng nặng thêm. Những cơn đau nhức ở chân cứ dày vò mãi nhưng cũng không làm nhụt chí của cô học trò.

Sau những lần điều trị hóa trị, tình trạng của Dương vẫn không tiến triển, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình kiểm tra, chụp MRI và làm tất cả các xét nghiệm, bác sĩ tiên liệu cần phải cắt bỏ chân của Dương và điều trị tiếp mới có thể giảm được bệnh. Vợ chồng anh Tuấn lại một lần nữa chết lặng.

Phải cắt bỏ một phần chân trái, sau giờ học ở trường, về nhà Dương chỉ ngồi trong phòng học bài, đọc sách không tiếp xúc với ai, chỉ lấy học làm vui. Năm học 2017 - 2018 em đạt học sinh giỏi với điểm số rất cao. Những gì quý giá nhất trong nhà đều đem bán đi chữa bệnh cho con. Kết quả học tập của Dương coi như phần an ủi, niềm hy vọng bù lại. Khi nhà  không còn gì, anh Tuấn đã cắm bảng bán 2.000m² của ba mẹ để lại cho mong tiếp tục có tiền điều trị cho con. Nhưng đất vườn heo hút, đến nay cũng không ai ngó tới miếng đất của anh. Nhìn thấy gia cảnh của Dương, các thầy cô trường THPT Cái Bè đã quyên góp một phần lương và vận động một số phụ huynh cùng các Mạnh Thường Quân quyên góp phần nào giúp đỡ cho gia đình và cho Dương tiếp tục điều trị.


Thầy cô cùng các bạn đến nhà động viên Dương sau những lần hóa trị
 
Ông Huỳnh Văn Phao - Chủ tịch UBND xã Hậu Thành cho biết, chính quyền địa phương cũng đã trợ cấp mỗi tháng 420.000 đồng, ngoài ra địa phương cũng đang vận động các nhà hảo tâm đóng góp giúp cho cháu Dương điều trị bệnh.

Thầy Dương Minh Tuấn là giáo viên chủ nhiệm của Dương cho biết, Dương giỏi và rất ngoan, khi biết tin em bị ung thư xương thì nhiều thầy cô cùng các bạn học sinh rất thương. Càng nể phục hơn khi đang điều trị căn bệnh hiểm nghèo em vẫn cố gắng đến trường mỗi ngày. Trường cũng đã vận động quyên góp giúp đỡ em nhưng cũng không được bao nhiêu.

Đầu năm học lớp 12, năm học 2018-2019, Thùy Dương lại bị những cơn đau tiếp tục hành hạ. Không chỉ là ở chân mà nhiều nơi trên cơ thể của Dương đều đau nhức dữ dội. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ chẩn đoán Thùy Dương bị ung thư xương ác tính thời kỳ cuối cần phải hóa trị lâu dài.

"Bác sĩ bảo bệnh ung thư xương của cháu ở giai đoạn cuối đang di căn lên phổi. Cháu có mệnh hệ gì thì vợ chồng tôi chắc không sống nổi", chị Thủy vừa nói mà nước mắt cứ rơi. Bình quân một liệu trình cho Dương trong 30 ngày có giá khoảng 10 triệu đến 120 triệu. Tất cả giờ đã nằm ngoài tầm với, vượt quá xa những gắng gỏi tàn lực của vợ chồng anh Tuấn.

Nhìn Thùy Dương, không ai nghĩ em đang đối phó từng ngày với căn bệnh quái ác luôn chực chờ cướp đi mạng sống và những ước mơ tươi đẹp. Ước mơ của Thùy Dương rất giản đơn, chỉ mong cùng đến trường học với các bạn, mong được thi tốt nghiệp và thi đại học. Dương muốn trở thành một bác sĩ tâm lý để tư vấn cho mọi người. Dương mong muốn mọi người ai cũng phải có nghị lực, phải phấn đấu vươn lên, vượt lên trên chính mình, cho xã hội tốt đẹp hơn.
 

3. Thư viện của chàng trai xương thủy tinh


Đó là tên gọi thân thương mà mọi người dành cho em và cũng là tài sản vô giá của chàng trai “xương thủy tinh” Trịnh Xuân Nghĩa (19 tuổi) trú tại xã Phú Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Số phận nghiệt ngã đối với Nghĩa nhưng em luôn nhìn đời bằng đôi mắt tràn đầy lạc quan.

Trịnh Xuân Nghĩa lớn lên với căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Căn bệnh khiến em không thể đứng lên và phải sống triền miên trong bệnh viện bởi số lần gãy xương không thể đếm xuể nhưng không thể ngăn bước chân đến trường của cậu bé nghèo này. Học “vỡ lòng” với mẹ, 12 tuổi, Nghĩa bắt đầu đến trường, vào thẳng lớp 2. Hiện Nghĩa đang là học trò lớp 8, cần mẫn ngày 2 buổi đến trường trên chiếc xe lăn với đôi chân dị dạng cong vênh và hai cánh tay yếu ớt có thể gãy bất kỳ lúc nào.


Chàng trai xương thủy tinh Trịnh Xuân Nghĩa với thư viện của mình
 
Gần 20 tuổi, Nghĩa chững chạc, điềm đạm, khiêm tốn và lạc quan, dù cuộc đời của em là một chuỗi ngày đấu tranh với số phận nghiệt ngã không ngừng nghỉ. Nghĩa không thấy mình là người tàn phế và em luôn lạc quan về tương lai. Nghĩa tự nhận thấy mình phải làm một việc gì đó, trước hết để giúp mình, giúp 2 em và những đứa trẻ hàng xóm. Phát triển văn hóa đọc! Tại sao không khi mà lũ trẻ hiện nay chỉ chăm chăm xem tivi, chơi điện thoại? “Hồi nhỏ, nhà không có tivi, không có điện thoại thông minh như bây giờ. Bố đi làm, mẹ ngoài thời gian lo cho anh em thì cũng phải làm đủ việc ruộng vườn. Em làm bạn với sách, nhà không có nhiều tiền mua sách, em đọc sách giáo khoa, trong các tạp chí, tờ báo hay sách cũ bạn bè, lối xóm cho mượn. Sách là bạn, là tri kỷ, là người tâm tình, là nơi mở ra trong em một thế giới mới, rộng lớn và đẹp đẽ”- Nghĩa tâm sự.

 Nghĩa mang ý tưởng của mình bàn với anh chị các nhóm thiện nguyện vẫn thường lui tới nhà em. Từ ý tưởng ban đầu, với sự giúp đỡ của các nhóm thiện nguyện, cộng đồng mạng xã hội, thầy cô giáo và lãnh đạo địa phương, “Thư viện Nghĩa Tình” ra đời sau 2 tháng thai nghén. Cái tên của thư viện đã bao hàm ý nghĩa tốt đẹp và những người đến đây đọc sách đều hoàn toàn miễn phí.

Tiếng thơm về “Thư viện Nghĩa Tình” lan ra xa, bạn đọc cũng ngày một nhiều, ở các lứa tuổi khác nhau. Bạn đọc không chỉ tìm đến những cuốn sách mang tính giải trí mà tìm kiếm nhiều hơn về sách tham khảo, sách lí luận. Bởi vậy, Nghĩa phải nhờ sự giúp đỡ của mẹ và các anh chị tình nguyện viên trong việc sắp xếp, quản lý sách một cách khoa học và hợp lý. Thư viện của Nghĩa mở cửa tất cả các ngày trong tuần nhưng đông bạn đọc nhất vẫn là vào dịp cuối tuần.

Nhiều đứa trẻ trong xóm đang dần “cai” được điện thoại thông minh và trở thành bạn đọc thường xuyên của thư viện. “Hiện nay thư viện mới có gần 1.000 đầu sách các loại, vẫn thiếu nhiều các loại cách tham khảo, sách khoa học thường thức. Em nghĩ, thư viện không chỉ phục vụ đối tượng bạn đọc là học sinh mà sắp tới, cần mở rộng, nhất là các loại sách về hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, làm kinh tế… để bà con nông dân xung quanh cũng có thể tới để tìm kiếm kiến thức mình đang cần”-Nghĩa chia sẻ.

Sau thành công của thư viện, Nghĩa và các bạn trong nhóm thiện nguyện, thầy cô giáo ở Trường THCS Hợp Thành, THCS Hồ Tông Thốc và một số học sinh trường THPT Phan Đăng Lưu tiếp tục mở thêm lớp học miễn phí ở ngay trong khoảng sân nhỏ của nhà Nghĩa. Lớp chủ yếu chỉ dạy vào dịp hè và cuối tuần dành cho học sinh tiểu học và THCS trong vùng. Riêng Nghĩa phụ trách đứng lớp ôn bài cho các em học sinh khối 4, 5.   
 
Minh Trang tổng hợp

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×