Những cô gái Tày tài năng

Thứ năm, 16/05/2019

Sinh ra ở xã nghèo vùng cao, 6 tuổi tiếng Kinh chưa rành… Hơn 20 năm sau, cô gái Tày đã gặt hái trái ngọt đầu tiên trong sự nghiệp. Lương Ngân trở thành giảng viên trẻ tuổi nhất, vị quản lí khoa thăng tiến nhanh nhất ở một trường đại học của xứ sương mù.

1. Cô gái Tày chinh phục trời Tây


Sinh ra ở xã nghèo vùng cao, 6 tuổi tiếng Kinh chưa rành… Hơn 20 năm sau, cô gái Tày đã gặt hái trái ngọt đầu tiên trong sự nghiệp. Lương Ngân trở thành giảng viên trẻ tuổi nhất, vị quản lí khoa thăng tiến nhanh nhất ở một trường đại học của xứ sương mù.
 
Lương Ngân tại ngôi trường cô được phong tiến sỹ
 
Lương Ngân trẻ hơn nhiều so với tuổi 33 và vẫn bé nhỏ như nick name thuở bé “Ngân còi”. Cô giống một cô gái trẻ hơn một nữ tiến sỹ đã lập gia đình. Câu chuyện của Lương Ngân khiến người ta chỉ có thể thốt lên hai chữ: “Cảm phục”. Không có gì ngạc nhiên khi câu chuyện này gây sốt trong giới trẻ thời gian qua, nó có tác dụng truyền cảm hứng đến mức không ít người trẻ muốn trở thành Lương Ngân thứ hai. Trong ký ức của cô, xóm Dẻ Gà, xã Lương Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, nơi cô cất tiếng khóc chào đời, dường như ít dấu vết của phát triển: Không điện, không đường xi măng.  Gia đình cô sống trong ngôi nhà sàn, tầng dưới dành cho gia súc… tầng trên là không gian sinh hoạt của người. Tài sản đáng giá trong nhà chỉ là “cái đài nhà nước phát cho để nghe tin tức”, cô mỉm cười nhớ lại. Trong cảnh sống tù mù ấy, Lương Ngân không biết đến trường mẫu giáo. 6 tuổi, cô cắp sách đến trường.

Ngôi trường tiểu học nằm trong xã, cũng lập xập với phòng học lợp mái rơm, vách trát bùn. Ban ngày Lương Ngân đến lớp, ban đêm mẹ cô thắp đèn dầu dạy con học, kèm con cách phát âm tiếng Kinh. Song sống trong cộng đồng dân tộc thiểu số cô bé Ngân không thể nói tiếng Kinh rành rọt: “6 tuổi tôi bắt đầu đọc bằng tiếng Kinh nhưng chưa sử dụng được nhiều trong giao tiếp. Giọng nói vẫn lơ lớ”, Ngân kể.

Khi Lương Ngân 9 tuổi, cô theo gia đình chuyển ra thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Cả gia đình cô sống trong một ngôi nhà nhỏ, trên một quả đồi, ở ngoại ô thị xã. Lương Ngân học cấp 1 ở một trường ngoại ô. Cô bé nói tiếng Kinh chưa sõi trở thành hiện tượng lạ trong lớp. Ngày đầu tiên đi học, cô nhận về điểm 0 môn Toán, điểm 1 môn tập viết. Nhưng cô bé dũng cảm không khóc, chỉ nghĩ cần cố gắng hơn nữa, ngay từ chuyện hòa nhập cộng đồng.

Không chỉ có những đứa trẻ hay trêu chọc Ngân, người lớn trong xóm thấy Ngân không biết tiếng Kinh cũng cười chê. Có một hôm bố mẹ gọi Ngân: “Ngân ơi!”. Ngân thưa: “Ơi”. Hàng xóm rỉ tai nhau: “Con bé này láo quá”. Vì Ngân vẫn quen ngôn ngữ Tày, trong tiếng Tày chỉ có một từ thay cho “ơi, dạ, vâng”. Từ những chuyện nhỏ li ti như thế Ngân cũng phải học, dần dần người ta quên đi xuất phát điểm ở cô bé, thay vào đó là sự cảm phục.  Đến năm lớp 4, Lương Ngân đã trở thành một trong những học sinh tốt nhất của lớp.
 
Kiên trì mục đích, tích cực tự học
 

Lương Ngân trong vai trò giám đốc quản lí Khóa Cao học Marketing   

Vào cấp 2, cha mẹ chuyển Ngân đến một ngôi trường được đánh giá có chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất hàng đầu của tỉnh Cao Bằng. Mới nhập học, cô bé đã gieo ấn tượng ở buổi kiểm tra chất lượng học tập đầu năm. Ngân là học sinh duy nhất trong lớp đạt điểm 9 môn Văn, điểm 10 môn Toán. 

Sang cấp 3, bạn bè đều nghĩ một cô nàng học tốt môn văn sẽ thi vào chuyên văn. Nhưng không. Từ thuở thiếu nữ, Ngân đã táo bạo ngầm. Cô muốn đặt ra thử thách mới nên thi vào chuyên lí.  Sau 3 năm học chuyên lí, cô  chọn thi khối A, với nguyện vọng vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, theo hướng của bố mẹ vạch ra.

Cô cũng chọn thêm khối D, với nguyện vọng vào Viện đại học Mở. Kết quả kì thi đại học được công bố, cô “sốc” khi trượt nguyện vọng chính nhưng  điểm cao vút ở nguyện vọng “dự bị”.  Lương Ngân quyết định ở nhà ôn thi, để năm sau thi vào trường Đại học Ngoại Thương.  Có người dọa cô: “Không đỗ được đâu, mơ cao quá”. Có người khuyên cô cứ “chắc chân” ở Viện Đại học Mở, rồi vừa học vừa ôn vào trường Ngoại thương, có phải an toàn hơn không?  

Ngân không nghe. Cô làm theo ý mình, tiếp tục ôn thi. Thay vì đến lò luyện thi, Ngân tự ôn thi đại học. Cô lập ra cho mình thời gian biểu chặt chẽ và nghiêm túc thực hiện. Kết quả thi đại học năm ấy không phụ sự cố gắng của Lương Ngân. Cô vừa đủ điểm vào Trường Đại học Ngoại thương. Tại đây, cô học Khoa Tiếng Anh Thương mại. Nền tảng tiếng Anh không tốt, Ngân lại lao vào tự học, san bằng khoảng cách với bạn bè trong lớp đến từ những trường chuyên nổi tiếng trong nước.

Khám phá “tầm nhìn xa trên 10 km”

Cao Bằng là dải đất núi non trùng điệp, khiến tầm nhìn bị giới hạn. Nhớ ngày ấu thơ cô từng hỏi mẹ: “Mẹ ơi, tầm nhìn xa trên 10 km là gì?”. Ngân ấp ủ ước mơ du học, để mở rộng tầm nhìn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, cô vào làm việc tại một công ty nước ngoài. Song công việc bàn giấy không thỏa mãn cô gái dồi dào đam mê. Ngân tiếp tục thách thức bản thân. Cô xin nghỉ việc một năm, tự ôn thi IELTS. Có chứng chỉ IELTS cô hoàn thiện hồ sơ du học, quyết tâm khám phá “tầm nhìn xa trên 10 km”.

Ngôi trường chào đón cô chính là Trường Đại học Strathclyde (University of Strathclyde) ở thành phố Glasgow, Vương quốc Anh.  Lý do cô chọn thành phố lớn thứ 3 của nước Anh trong chuyến du học thật đơn giản: Cần kiếm việc làm thêm. Du học tự túc là một áp lực lớn đối với Lương Ngân, bởi gia đình cô không mạnh về tài chính. Cô đã vay bố mẹ khoản tiền tiết kiệm mà ông bà ki cóp nhiều năm để đóng học phí.  Còn sinh hoạt phí, cô tự cáng đáng.

Khi đặt chân đến xứ sở sương mù cô mới thấy kế hoạch đặt ra từ nhà không dễ thực hiện. Suốt 3 tháng trời, Ngân không tìm được việc làm. Cô thú nhận: Đó là “cú sốc” lớn. Ngân gửi đơn xin việc đến nhiều nhà hàng, khách sạn, sẵn sàng làm bồi bàn hay dọn phòng, miễn sao có công ăn việc làm để trang trải cuộc sống nơi xứ người. Khi khoản tiền nhỏ gần cạn, dù cô đã cố gắng chi tiêu cực kỳ dè sẻn thì cơ hội gõ cửa Lương Ngân.

Qua cuộc giao lưu với hội sinh viên người Việt, cô tìm được việc làm thích hợp. Người Việt sang Anh dạo đó có xu hướng tràn lên phía Bắc, họ chọn nghề làm móng (nail) để sinh nhai. Những người này thường không có khả năng nói tiếng Anh nên họ cần người phiên dịch để gặp bác sỹ, luật sư… Dần dần, với ý thức cao trong công việc, cô trở thành sự lựa chọn hàng đầu khi ai đó có nhu cầu tìm người phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh hoặc ngược lại. Từ đó cô có một nguồn thu nhập ổn định, không những giúp cô trang trải cuộc sống mà còn dành được một khoản tiết kiệm nhỏ.

Sau một năm, tốt nghiệp thạc sỹ quản trị du lịch khách sạn, theo dự định ban đầu, cô sẽ trở về Việt Nam. Song Lương Ngân lại bị một đam mê khác cuốn đi. Cô muốn khám phá thêm nền giáo dục Anh nên lại học lên tiến sỹ, chuyên ngành Marketing ở Đại học Birmingham. Đây là trường đại học nằm trong top 15 của nước Anh, có lịch sử lâu đời, nhiều chủ nhân của giải Nobel hay chính trị gia nổi tiếng đã từng học tại ngôi trường này. Khó khăn của Lương Ngân là phải cân bằng giữa mưu sinh và học hành.

Mỗi tháng cô đi xe bus 8 tiếng từ Glasgow đến Birmingham để gặp giáo viên hướng dẫn một lần. Luận văn tiến sỹ khoảng 100 ngàn từ, chưa tính phụ lục. Mỗi chương Ngân phải viết khoảng 20 ngàn từ bằng tiếng Anh. Có khi viết lần 1 chưa đạt, cô phải sửa lại. Không hiếm những lần Ngân phải viết lại cả chương, thậm chí có chương phải viết đi, viết lại tới 4,5 lần.  Ban ngày Ngân tất bật mưu sinh, với nỗi lo thường trực, tháng này đã kiếm đủ tiền nộp học phí chưa. Ban đêm, cô gạt bỏ việc mưu sinh, tập trung nghiên cứu. Ròng rã suốt 4 năm trời.

Ngày bảo vệ luận văn cũng đến. Sau phần phản biện kéo dài, cô hồi hộp đợi chờ kết quả. Và kết quả như mơ: Cô được phong tiến sỹ ngay và luôn. Đây là điều cực hiếm đối với nghiên cứu sinh ở Anh. Người hướng dẫn cô là một người phụ nữ ngoài 50 tuổi, đã hướng dẫn thành công khoảng 20 nghiên cứu sinh phải thốt lên: Lương Ngân là trường hợp đầu tiên của khoa, là sinh viên đầu tiên của bà đạt tiến sỹ ngay sau khi bảo vệ luận án tiến sỹ. Giáo viên hướng dẫn thứ 2 là một người thầy khó tính đã đưa ra nhiều thách thức trong suốt quá trình Ngân làm luận văn,  cũng hết sức bất ngờ với kết quả mà nghiên cứu sinh người Việt đạt được.

Biết mình muốn gì

Hiện nay cô gái sinh năm 1986 đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc quản lí Khóa Cao học Marketing ở London South Bank University, một trường đại học danh tiếng ở London. Lương Ngân chia sẻ bí quyết thành công của mình: “Muốn thành công cần chiến lược cụ thể. Phải thật sự biết mình muốn gì. Cũng đừng ngại ngần, hãy nói lên mong muốn mới hi vọng tìm được sự giúp đỡ”.  

Khi đang làm tiến sỹ Ngân đã có định hướng muốn làm giảng viên ở Anh. Ngân thổ lộ với giáo viên hướng dẫn về nguyện vọng này. Cho nên khi giáo viên hướng dẫn biết thông tin nơi nào tuyển giảng viên bán thời gian lại giới thiệu cho Ngân nộp đơn, đến phỏng vấn. Năm 2016, trong thời gian làm luận án tiến sỹ, Lương Ngân đã làm giảng viên bán thời gian ở London South Bank University. Tháng 11 năm 2017 cô bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ. Tháng 12 năm đó London South Bank University tuyển giảng viên “full time”.

Lương Ngân lại nộp đơn xin dự tuyển. Trước cạnh tranh khốc liệt, Ngân đã chiến thắng các ứng viên khác nhờ nhận xét tích cực của sinh viên và đồng nghiệp trong thời gian cô làm giảng viên bán thời gian tại đây. Ngay khi được nhận làm giảng viên chính thức, cô đồng thời được giao vị trí Phó giám đốc quản lí Khoá Cao học Marketing.

Sau 10 tháng giữ vị trí Phó giám đốc quản lí Khóa, cô được đề bạt vị trí giám đốc quản lí Khóa. Đây là một vinh dự lớn, chưa từng có tiền lệ ở ngôi trường này, thông thường phải có 3 năm kinh nghiệm ở vị trí phó giám đốc mới được đề bạt. Thêm nữa, Lương Ngân còn quá trẻ, cô là một giảng viên trẻ tuổi nhất khóa, cũng là nhất trường.
 

2. Cô gái Tày đem cam đi “đánh” xứ người

 
Từ Tuyên Quang, cô gái Tày mang theo cam sành Hàm Yên vào tận miền Tây Nam bộ, nơi được mệnh danh là thủ phủ của cây trái để khai mở thị trường tiêu thụ.


Cẩm Ly (phải) đang giới thiệu sản phẩm cam Hàm Yên (Tuyên Quang) cho khách hàng tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, tháng 3, tại An Giang.
 
Lội ngược dòng

Trong khuôn viên Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao diễn ra tại An Giang vào giữa tháng 3 vừa qua, khách tham quan bị cuốn hút bởi cô gái mặc trang phục đen truyền thống của người Tày, gương mặt sáng long lanh, giọng nói dịu dàng đậm chất Bắc mời khách mua cam. Đó là Cẩm Ly, 26 tuổi, cô gái Tày ở Na Hang (Tuyên Quang). “Đây là cam Hàm Yên nổi tiếng, do người dân tộc Tày ở quê mình trồng”, Cẩm Ly giới thiệu.

Gian hàng trưng bày của cô khoảng 3 mét vuông nhưng có nhiều người đến tham quan và mua cam. Điều khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên và thắc mắc là tại sao cô gái này “dám liều” đem cam từ một nơi xa lạ thâm nhập vào thị trường có quá nhiều loại trái cây ngon nức tiếng, trong đó có cam sành- một sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh so với tất cả những sản phẩm cùng loại. Cẩm Ly chỉ mỉm cười và từ tốn: “Cái gì cũng có đặc trưng và thế mạnh riêng”. Cô cho biết, trước khi vào miền Tây, cô cũng đã nghiên cứu thị trường và sản phẩm cạnh tranh với mình.

“Dẫu biết rằng, ở miền Tây cam sành là thế mạnh nhưng cô vẫn quyết thử sức bởi muốn sản phẩm của nông dân quê mình được vươn xa”, Cẩm Ly chia sẻ. Theo Ly, ưu điểm của cam sành Hàm Yên là vị ngọt thanh và chua đặc trưng nên ít nhiều cũng có sự khác biệt để tạo dấu ấn với khách hàng vùng sông nước miền Tây. Chính vì thế, cam Hàm Yên đã được người miền Tây đón nhận và 200kg cam cô đem đến hội chợ để chào hàng đã nhanh chóng được bán hết.

Ly cho biết, hôm đưa cam từ Bắc vào miền Tây, điều khiến chị lo lắng nhất là việc bảo quản vì nhiệt độ giữa các vùng miền có sự thay đổi rất lớn. Cụ thể, ở miền Bắc trời lạnh, còn ở TPHCM nhiệt độ lên đến 32 độ C khi vào tới TPHCM. Ly cho biết, đang thử vận chuyển cam bằng ô tô, tàu hỏa, máy bay; đồng thời thử nhiều cách bảo quản làm sao cho hàng hóa từ Bắc vào Nam còn tươi và ngon. “Đó là công việc không đơn giản”, Cẩm Ly nói.

Kết thúc hội chợ, Cẩm Ly rong ruổi khắp các cơ sở sản xuất, nhà vườn, hợp tác xã… ở các tỉnh ĐBSCL gần cả tháng để học hỏi kinh nghiệm kinh doanh cũng như áp dụng kỹ thuật sản xuất để về hướng dẫn cho bà con vùng cao quê mình. Sau thời gian rong ruổi, Ly nhận ra ở miền Tây, nông dân rất am hiểu và nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm với nhau, hạn chế tối đa sử dụng thuốc và phân hóa học, đặc biệt không sử dụng thuốc diệt cỏ. Thay vào đó, nông dân sử dụng thuốc sinh học, phân chuồng, phân vi sinh, hữu cơ. Ngoài ra, Ly còn học được kỹ thuật canh đọt, tỉa cành, xiếc nước, phát hiện bệnh sớm và các dấu hiệu nhận biết cây và bộ rễ khỏe hay yếu...

Đường tới thành công dần hiện rõ

Cẩm Ly là con gái cả trong gia đình 2 chị em, có mẹ là người Tày. Năm 2015 chị tốt nghiệp Học viện Tài chính Ngân hàng. Sau thời gian ngắn làm việc cho một ngân hàng ở Hà Nội, Cẩm Ly quyết định “rẽ ngang” sang kinh doanh cam. Cẩm Ly kể, cơ duyên đến với việc kinh doanh cam là vào dịp Tết năm 2016. Khi về thăm quê, chị xót xa thấy cảnh cam trúng mùa nhưng mất giá và nông dân lỗ, bởi bình thường, giá bán trung bình tại vườn trên 20.000 đồng/kg mới có lãi, nhưng khi vào vụ thì bị thương lái ép, giá giảm mạnh, thậm chí chỉ còn 7.000 – 8.000 đồng/kg. “Lúc đó, trong tôi nung nấu ý nghĩ sẽ làm gì đó để giúp người dân quê mình bớt khổ, thế là tôi thuê xe tải mua 5 tấn cam chở lên Hà Nội bán giúp họ”, Ly nói.

Sau chuyến bán cam đầu tiên, Ly tiếp tục những chuyến tiếp theo thì gia đình can ngăn vì sợ con gái vất vả, phải thức khuya dậy sớm, khuân vác và tìm thị trường. Tuy nhiên, Ly vẫn nhất quyết theo đuổi công việc bán cam và quyết định từ bỏ ngân hàng. Ly mở văn phòng ở Hà Nội và thuê nhân viên rồi mua cam từ Tuyên Quang đem về Hà Nội tiêu thụ bằng nhiều kênh như bán cho cửa hàng bán lẻ, bán qua mạng internet…

“Thời gian đầu vô cùng vất vả, tôi đến gõ cửa từng cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội chào hàng nhưng họ đều lắc đầu vì lý do thích cam sành miền Tây hơn. Ngoài ra, người bán hàng không phân biệt được cam Hàm Yên với cam Trung Quốc nên họ cho rằng mình mua cam Trung Quốc trà trộn với cam Hàm Yên”, Ly kể.

Chị tâm sự, có những lúc quá áp lực, thời gian đầu làm chưa có kinh nghiệm với đối tác và cả nông dân nên lỗ nhiều. Vì lo lắng cho con, cha Cẩm Ly định xin cho chị làm một công việc tốt nhưng Ly đều lắc đầu và xin cha cho mình một năm để khẳng định… Một năm trôi qua, với rất nhiều nỗ lực, vượt qua bao khó khăn vất vả, công việc làm ăn của Cẩm Ly đã dần ổn định và chị nhận thấy con đường dẫn đến thành công đang dần hiện rõ dưới chân mình.
 
Tuệ Minh tổng hợp

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×