Khoa học Việt Nam: Một sứ mệnh mới

Thứ năm, 30/05/2024

Hơn 15 năm sau những cuộc thảo luận trên diễn đàn Tia Sáng về sự cần thiết của các nhóm nghiên cứu mạnh với khoa học Việt Nam, giờ đây vấn đề này được lật lại với một cấp độ lớn hơn: Việt Nam cần chính sách khả thi nào để thực hiện được mục tiêu hình thành các nhóm nghiên cứu xuất sắc?
“Từ năm 2014, ĐQGHN bắt đầu có chính sách công nhận 16 nhóm nghiên cứu mạnh đầu tiên của trường, trong đó có nhóm về hóa hữu cơ của GS. Lưu Văn Bôi, nhóm y sinh của GS. Phan Tuấn Nghĩa, nhóm về sóng trong môi trường đàn hồi của GS Phạm Chí Vĩnh, nhóm của chúng tôi… Cùng với sự thừa nhận này, 16 nhóm đầu tiên bắt đầu nhận được sự hỗ trợ kinh phí của ĐHQGHN để hoạt động”, GS. Phạm Hùng Việt, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường bền vững (ĐH KHTN, ĐHQGHN) trao đổi trong tọa đàm “Xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc”, do Tia Sáng và Quỹ NAFOSTED đồng tổ chức vào ngày 13/5/2024.  
 
Để hình thành một chính sách như vậy ở một nền khoa học mới hội nhập như Việt Nam, cần rất nhiều tiếng nói khai mở của những nhà khoa học uy tín. “Tôi nhớ lại từ cuối những năm 1990, cách đây 30 năm, thông qua tạp chí Tia Sáng, đã có những ý tưởng đổi mới đầu tiên về việc lấy công bố quốc tế làm tiêu chuẩn đánh giá nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu của các GS. Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển, và nhiều nhà khoa học xuất sắc mà nhiều thầy nay không còn nữa… Những gì diễn ra ngày hôm nay cho thấy, những ý tưởng đó vẫn được tiếp tục theo đuổi”, GS. Phạm Hùng Việt nói. 
 
Từ đó đến nay đã ra đời nhiều chính sách đầu tư cho nguồn nhân lực KH&CN ở các quy mô khác nhau, trong đó đề cập đến việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh của khoa học Việt Nam và các mục tiêu táo bạo, ví dụ như “đào tạo, bồi dưỡng khoảng 50 nhóm nghiên cứu (giai đoạn 2016 – 2020) và khoảng 80 nhóm nghiên cứu (giai đoạn 2021 – 2025) nhằm hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có đủ năng lực giải quyết các nhiệm vụ KH&CN quan trọng của ngành, lĩnh vực” như trong Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”. Dẫu vậy, có một điều mà tất cả các đại biểu tham gia tọa đàm đều nhận ra, đó là chưa có một chính sách cụ thể nào ở tầm quốc gia được thiết kế dành riêng cho “những cỗ máy đỉnh cao” này. Tại sao vậy? có phải vì việc rót tiền cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc ở một quốc gia còn hạn hẹp nguồn kinh phí đầu tư là một sự xa xỉ? vì khoa học Việt Nam chưa thực sự có những nhân tố tiềm năng để có thể vun trồng thành các nhóm nghiên cứu xuất sắc? hay còn nguyên nhân nào khác? 
 
Khi nói về nhóm nghiên cứu mạnh, dù ở trường đại học hay viện nghiên cứu, người ta thường nghĩ đến các chính sách ưu đãi nhân lực hay hợp tác quốc tế bởi thật khó đạt mức “mạnh” mà thiếu đi những yếu tố này.

Diễn ra nhân Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, cuộc tọa đàm “Xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc” với những góc nhìn liên thế hệ đã soi chiếu vấn đề này ở nhiều góc độ khác nhau nhằm tìm ra câu trả lời, và hơn thế, những cơ sở cho một chính sách khả thi. 
 
Nhưng việc tìm ra một chính sách khả thi và sau là thúc đẩy việc triển khai chính sách đó có thực sự dễ dàng, với khoa học Việt Nam?
 
Chính sách đã đủ mạnh?
 
Mặc dù chủ đề bàn tới trong cuộc tọa đàm về xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc hay các trung tâm xuất sắc (centre of excellence COE) – một mô hình thành công ở hầu hết mọi nền khoa học trên thế giới, giúp hình thành những năng lực mới của cả một lĩnh vực nghiên cứu, tạo ra những công nghệ đột phá, những năng lực đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực tài năng 1 – tuy nhiên có một thực tế là ở Việt Nam, chưa một nhóm nghiên cứu nào đạt tới những tiêu chuẩn đó. Với sự trung thực vốn có của khoa học, không nhóm nghiên cứu nào tham gia tọa đàm nhận mình là xuất sắc, dù đó là nhóm nghiên cứu đặt dưới sự dẫn dắt của các nhà khoa học giàu kinh nghiệm và tâm huyết như GS. Phạm Hùng Việt, GS. Vũ Thị Thu Hà (Phòng thí nghiệm trọng điểm Lọc hóa dầu quốc gia) hay nhà nghiên cứu trẻ đầy đam mê và nỗ lực như PGS. Nguyễn Trần Thuật (Trung tâm Nano và Năng lượng, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN)… 
 
Có một điều dễ nhận thấy là các nhóm nghiên cứu này đang có những yếu tố ban đầu của nhóm nghiên cứu xuất sắc, dẫu chỉ ở dạng manh nha… Vậy họ cũng như nhiều nhóm nghiên cứu khác ở Việt Nam, còn thiếu những điều gì để đủ năng lực chuyển đổi sang một nấc mới? Có phải các chính sách mà họ thụ hưởng vẫn còn chưa đủ để tạo ra một lực đẩy? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng nhìn lại thập niên qua, khi môi trường nghiên cứu và đào tạo Việt Nam đã xuất hiện một số chính sách quan trọng có liên quan đến nhóm nghiên cứu mạnh của Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, ĐHQGHN, ĐHQG TPHCM, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng như hàng chục trường đại học trong và ngoài công lập… Vậy tất cả những chính sách đó đã thể hiện một cam kết tài trợ đủ mạnh cho các nhóm nghiên cứu mạnh hay chưa? 
 

Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Nano và Năng lượng, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHGHN.

Khi nói về nhóm nghiên cứu mạnh, dù ở trường đại học hay viện nghiên cứu, người ta thường nghĩ đến các chính sách ưu đãi nhân lực hay hợp tác quốc tế bởi thật khó đạt mức “mạnh” mà thiếu đi những yếu tố này. Thực tế ngay ở ĐHQGHN, một nơi đi đầu về đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh, mong mỏi này cũng chưa được thực hiện đầy đủ. GS. Nguyễn Đình Đức (ĐHQGHN) được Dân trí dẫn lời vào năm 2021, cho biết, rất muốn có điều kiện, cơ chế mời các nhà khoa học đầu ngành, nhiều tiến sĩ trẻ ở các quốc gia khác từ các nước đến nhóm làm việc nhưng “hiện nay cơ chế của nhà nước thì chỉ cho đến thực tập ngắn hạn”. Một nhà nghiên cứu kỳ cựu ở ĐHQGHN xác nhận và cho biết, khi nhóm nghiên cứu của ông muốn mời các nhà nghiên cứu giỏi ở nước ngoài tới tổ chức các seminar khoa học cũng vô cùng khó, nan giải nhất là kinh phí đi lại cho khách mời. Ngân sách của trường không có chỗ cho những khoản chi như vậy. 
 
Khó khăn đó không chỉ có ở ĐHQGHN mà còn ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, nơi bắt đầu triển khai tài trợ cho nhóm nghiên cứu mạnh từ năm 2021. “Nhóm nghiên cứu mạnh thì phải mời được chuyên gia nước ngoài tham gia làm việc hoặc seminar nhưng chúng tôi không thể mời được. Hiện nay, kinh phí thực hiện đề tài cũng có khoản chi cho khách mời nước ngoài nhưng vô cùng hạn chế”, GS. Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nói. 
 
Sức hấp dẫn của các nhóm nghiên cứu mạnh trong thời gian qua cũng chưa thực sự đủ lớn. Theo nhà nghiên cứu kỳ cựu ở ĐHQGHN, các nhóm nghiên cứu mạnh không được ưu tiên nhiều để có điều kiện thu hút nhân lực. Các nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ giỏi thường ít chọn tới các nhóm này làm việc vì không những không có học bổng tương xứng mà còn phải đóng học phí. GS. Phạm Hùng Việt từng cho biết, nhiều năm trước, ông đã nhận được nhiều đề xuất xin làm nghiên cứu sinh từ các học viên quốc tế nhưng không có cơ chế nào để đón nhận, dù biết rằng họ sẽ là yếu tố làm đa dạng phòng thí nghiệm của mình. Điều này chỉ thay đổi từ năm 2021, khi ĐHQGHN có chính sách cấp học bổng cho nghiên cứu sinh. 
 
Việc thúc đẩy nhóm nghiên cứu xuất sắc cần thủ tục hành chính thuận lợi, thông tin minh bạch, rõ ràng và thủ tục tài chính dễ dàng. Trước đây,  Quỹ đã làm tốt được điều này nhưng rất khó duy trì trong cơ chế hiện nay, khi đã chuyển sang cơ chế hạch toán nên về cơ bản là chúng ta chuyển từ hậu kiểm tra tiền kiểm. 
TS. Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ NAFOSTED    

Đề cập đến chính sách ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh, GS Phạm Hùng Việt nói “người ta tưởng ĐHQGHN có nhiều tiền đầu tư [cho các nhóm nghiên cứu mạnh] lắm. Xin nói thực, từ khi thành lập đến nay, từ 2014, mỗi nhóm nghiên cứu mạnh của trường Khoa học tự nhiên được tài trợ 30 triệu đồng/năm. Bắt đầu từ năm 2019 trở đi, tăng lên 50 triệu đồng, có nhiều đâu. Còn khi trở thành phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia, chúng tôi được cấp 250 triệu đồng/năm”. Dù cho biết là ĐHQGHN bắt đầu có những đổi mới khác “các nhóm nghiên cứu giai đoạn gần đây thì bắt đầu được hỗ trợ khá hơn, ví dụ được 1 tỷ đồng”, nhưng ông cũng cho rằng, để tạo ra những kết quả đột phá thì cơ chế hỗ trợ này vẫn còn khiêm tốn. 
 
Việc có kinh phí tài trợ đủ mạnh cho các nhóm nghiên cứu mạnh có điều kiện làm ra những sản phẩm đúng tầm ở Việt Nam vẫn là một câu chuyện dài và có thể bắt gặp ở khắp nơi, kể cả ở cơ quan tài trợ cấp quốc gia. Từ năm 2016, NAFOSTED bắt đầu tuyển chọn các nhóm nghiên cứu mạnh, chủ yếu là nghiên cứu cơ bản ở lĩnh vực tự nhiên và kỹ thuật, và trao cho họ các đề tài với thời gian thực hiện là năm năm, kinh phí cũng lớn hơn đề tài cơ bản thông thường và yêu cầu sản phẩm đầu ra cũng ở mức cao hơn. Tuy nhiên, TS. Phạm Đình Nguyên, giám đốc NAFOSTED, cho rằng ở đây cũng có một số điểm trừ, trong đó các nhóm nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực còn ít, các đề tài chưa được kết nối chặt chẽ với thực tiễn, và nhất là kinh phí tài trợ cũng chưa hoàn toàn phù hợp. “PGS. Nguyễn Trần Thuật nhận được tài trợ của VINIF 10 tỷ đồng cho một đề tài. Nếu anh đề xuất đề tài lên Quỹ thì vô cùng khó để thuyết phục được các nhà quản lý tài trợ cho anh ở mức này. Đây cũng là điểm khó khăn trong chính sách hiện nay của Quỹ trong tài trợ cho các nhóm nghiên cứu mạnh”, TS. Phạm Đình Nguyên nói.
 
Việc có kinh phí tài trợ đủ mạnh cho các nhóm nghiên cứu mạnh có điều kiện làm ra những sản phẩm đúng tầm ở Việt Nam vẫn là một câu chuyện dài và có thể bắt gặp ở khắp nơi, kể cả ở cơ quan tài trợ cấp quốc gia.

Dẫu kinh phí tài trợ là một yếu tố quan trọng nhưng còn quan trọng không kém là thủ tục tài chính vẫn chưa thật sự khác biệt so với thủ tục tài chính thông thường. “Đề tài nghiên cứu kinh phí không phải ít nhưng cái cách quản lý không tốt, đòi hỏi rất chi tiết và không phù hợp với thực tiễn và tôi cho là không phù hợp với tình trạng chung hiện nay”, GS. Ngô Việt Trung nhận xét. “Việc chi cho các đề tài nghiên cứu được tính theo từng giai đoạn một, mỗi giai đoạn phải có sản phẩm thì mới xuất tiền được. Sản phẩm trong nghiên cứu cơ bản là các chuyên đề và đấy là chuyện rất vô lý. Bây giờ một đề tài kinh phí một tỉ đồng đòi hỏi 7, 8 chuyên đề, riêng thời gian để viết chuyện đó, hình thức thôi cũng mất cả tháng”.
 
Mặt khác, nếu nhìn sâu hơn vào yêu cầu đầu ra dành cho các nhóm nghiên cứu mạnh, người ta vẫn có thể vẫn tồn tại một số điểm bất hợp lý. GS Ngô Việt Trung cho biết, khi được vận động để đăng ký đề tài đầu tiên của nhóm nghiên cứu mạnh ở Viện Hàn lâm, ông đã thấy sự bất hợp lý từ quy chế về nhóm nghiên cứu mạnh. “Chúng ta đều biết mỗi ngành đều có đặc thù, không thể là cái áo cho chung tất cả các ngành được”, ông nói, đồng thời chỉ ra tiêu chuẩn cho các nhóm nghiên cứu mạnh của Viện là các bài báo, sản phẩm nghiên cứu của đề tài “phải là sản phẩm của chung ít nhất 2/3 thành viên của nhóm” trong khi “nhóm nghiên cứu của tôi, mỗi người thuộc một mảng trong hướng nghiên cứu chung, chúng tôi không thể ‘ngồi cùng với nhau’ ở một nghiên cứu được”, ông giải thích. 
 
Các nhà quản lý hãy mạnh dạn khoán đến sản phẩm cuối cùng, giảm bớt mọi thủ tục trung gian trong khi vẫn đảm bảo quản lý hiệu quả và khoa học về tài chính – hướng tới mục tiêu 100% năng lực và năng lượng của nhà khoa học dành cho hoạt động chuyên môn. Phải thừa nhận “rủi ro” là đặc thù của hoạt động KHCN, phải chấp nhận “rủi ro” trong tài trợ cho nhóm nghiên cứu xuất sắc.
GS. Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Lọc hóa dầu Quốc Gia.

Thiết kế chính sách gì phù hợp? 
 

Cần phải có những chính sách đủ mạnh để đầu tư cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc

Câu chuyện đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh trong vòng một thập niên qua là một bài học sát sườn cho khoa học Việt Nam khi nghĩ về việc thiết kế một chính sách phù hợp để đầu tư cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc và xa hơn là các trung tâm xuất sắc. Ai cũng hiểu rằng, nếu không có một chính sách đột phá, cả về kinh phí lẫn cơ chế vận hành, dù có vẽ ra những mục tiêu lớn lao và những kỳ vọng lớn lao vào việc tạo dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc có đủ năng lực làm ra những sản phẩm ở tầm quốc tế, tác động đến cả lĩnh vực chuyên ngành hay giải quyết được những nhiệm vụ ở tầm quốc gia thì kết quả thu về cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, mức chi cho KH&CN trong nhiều năm gần đây không chỉ không đạt mức 2% tổng chi ngân sách mà còn giảm dần – theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, bố trí ngân sách chi cho KH&CN năm 2017 là 1,18%, năm 2022 là 1,01%, năm 2023 chiếm 0,82% 2. Sự giới hạn về nguồn lực đầu tư của Việt Nam khiến việc tài trợ cho nhóm nghiên cứu xuất sắc trở thành nan giải. 
 
Vậy việc tài trợ cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc có nên phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ bên ngoài không? Có nghiên cứu chỉ ra, việc quá phụ thuộc vào một nguồn tài trợ từ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến chất lượng và tính xuất sắc của khoa học trong các trung tâm xuất sắc bởi nó dễ khuyến khích việc nghiên cứu chạy theo xu hướng và tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn 1. Vậy là trong trường hợp này, nhà nước vẫn sẽ là bà đỡ số một. 
 
Ở các quốc gia phát triển, các nghiên cứu thuộc ngành KHXH và Nhân văn được thực hiện để hướng đến mục tiêu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực. Hầu hết các nghiên cứu đều cân bằng được tính quốc tế và quốc gia. Để thực hiện các nghiên cứu này, họ được cấp kinh phí dài hạn, có khi kéo dài tới bảy năm, và được áp dụng cơ chế đặc thù. Việc các cơ quan quản lý khoa học của những quốc gia này đồng ý áp dụng các cơ chế đặc thù là vì họ tin tưởng hoàn toàn vào nhà khoa học. 
Do đó, vấn đề hiện nay với chúng ta là làm sao nhà quản lý của chúng ta có được sự tin tưởng vào nhà khoa học thực sự, khuyến khích họ nghiên cứu và bằng cách nào đó hạn chế được nhà khoa học nghiên cứu tồi nhưng lại giỏi giới thiệu, quảng cáo về mình.  
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, một chính sách như thế nào cho khả thi? bà Nguyễn Thu Oanh, nguyên Viện phó Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, rút kinh nghiệm từ nhiều chương trình đầu tư cho KH&CN, chương trình đầu tư cho nhóm nghiên cứu xuất sắc ở tầm quốc gia cần được thiết kế đảm bảo đầu tư có trọng tâm và đến “ngưỡng”, đi kèm với các tiêu chí đánh giá xét chọn và đánh giá giữa kỳ. “Tôi nghĩ rằng, để đảm bảo thành công của chương trình thì việc tuyển chọn phải rất nghiêm ngặt và các nhóm vượt qua vòng tuyển chọn phải được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng. Kinh phí hỗ trợ mỗi năm cho mỗi đề tài của họ phải lớn hơn so với các đề tài thuộc các chương trình khác, khoảng 150 đến 200 nghìn USD/năm. Thời gian hỗ trợ kinh phí cho mỗi đề tài là bốn năm, trong đó có tiến hành đánh giá giữa kỳ (sau hai năm) và sẽ loại 20 % đề tài có xếp hạng thấp”, bà nói. Khi nêu các bước đánh giá xét chọn cũng như đánh giá giữa kỳ, bà nhấn mạnh đến việc phải hình thành được hội đồng đánh giá ít nhất gồm 20 chuyên gia từ các công ty, trường đại học, viện nghiên cứu (chuyên gia về công nghệ, kinh tế xã hội và các nhà quản lý R&D) đủ uy tín và tin cậy. 
 
Việc mạnh dạn đầu tư cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc phải đi kèm với một cơ chế đánh giá minh bạch và xác đáng, hầu hết các ý kiến tại tọa đàm đều đi đến thống nhất về việc phải thiết kế được khung đánh giá phù hợp. TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, cho rằng “muốn thành lập các nhóm xuất sắc thì cần có các mục tiêu và lộ trình thực hiện rất cụ thể. Cùng với đó là chỉ số đánh giá (KPI) để đo lường hiệu suất của nhóm nghiên cứu”. Như vậy chúng ta mới làm được, chứ chúng ta có quá nhiều ràng buộc thì chúng ta chẳng làm được gì cả. 
 
Trung tâm của chúng tôi có triết lý hoạt động rõ ràng là chỉ chấp nhận nghiên cứu nào mà đích đến là cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân, kể cả những nghiên cứu cơ bản lẫn ứng dụng. Tuy trước mắt chúng tôi tập trung vào nghiên cứu ứng dụng nhưng chúng tôi cũng đặt mục tiêu là mình phải trở thành một cái nút quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, trước hết về y học nhiệt đới.
Chúng tôi nhận thấy để đạt được tiêu chí xuất sắc cần có chính sách đầu tư phù hợp. Ví dụ Trung tâm chúng tôi hiện có các nguồn tài trợ, một từ nước ngoài – rất dễ chi trả và dễ thực hiện; thứ hai là nguồn trong nước, chủ yếu là Bộ KH&CN, Bộ Y tế, chương trinh KC 10, NAFOSTED thì có nhiều quy định. Vì vậy, trong thời gian tới, Bệnh viện 108 sẽ có hướng tự trích 1% doanh thu của bệnh viện, từ 5 đến 6 tỷ đồng để tài trợ cho các nhóm nghiên cứu trong bệnh viện, thậm chí cho nhà nghiên cứu ở bên ngoài cũng được nhưng tham gia nghiên cứu cùng thành viên của Bệnh viện. Nếu như nghiên cứu có đóng góp trở lại là điều trị tốt hơn, qua đó đem lại doanh thu nhiều hơn thì có thể tài trợ trở lại cao hơn.
TS. Nguyễn Trọng Thế, Trung tâm Y học Việt – Đức, Bệnh viện 108.

Cũng như quan điểm của GS. Ngô Việt Trung là cần có “một chương trình tài trợ riêng, không thể giao việc này cho NAFOSTED vì mức kinh phí cho Quỹ hiện nay theo tôi để duy trì sự phát triển lành mạnh ở tầm quốc gia đã là không đủ”, TS. Phùng Đức Tùng đề xuất Việt Nam nên xây dựng một cơ chế đầu tư cho chương trình các nhóm nghiên cứu xuất sắc “như một quỹ đầu tư mạo hiểm để dám chấp nhận rủi ro trong khoa học. Như vậy chúng ta mới làm được, nếu có quá nhiều ràng buộc như với các chương trình tài trợ cho khoa học hiện nay thì chúng ta sẽ không làm được gì”. 
 
Việc thiết kế một chương trình tài trợ cho khoa học, cần phải tính đến vấn đề đặc thù của các ngành, nghĩa là chấp nhận sự đa dạng của các ngành, chuyên ngành, như nhận xét của PGS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. “Tôi rất băn khoăn về việc chúng ta từng xây dựng các bộ tiêu chí rất cụ thể, rất chi li về các nhóm nghiên cứu mạnh, chi li đến mức có khi không ai dám nhận là nhóm nghiên cứu mạnh cả. Việc chúng ta có những tiêu chí và quy định theo kiểu hành chính như vậy vô hình trung làm xơ cứng các hệ thống các nhóm nghiên cứu mạnh. Đó là vấn đề cần cân nhắc khi xây dựng chương trình các nhóm nghiên cứu xuất sắc”, anh nói.  
 
Có lẽ, việc vẽ ra một bức tranh với rất nhiều khía cạnh như vậy đã phần nào giúp chúng ta hình dung về những yếu tố mà một chương trình thành công cần phải có. Nhưng bằng cách nào để đưa chương trình trong mơ này trở thành hiện thực? Với kinh nghiệm của một người đã xây dựng chương trình các nhóm nghiên cứu mạnh ở một trường tư với cơ chế vượt trội so với các trường công – mỗi nhóm mạnh được tài trợ 4 tỷ đồng một năm, có học bổng cho nghiên cứu sinh – GS. Phạm Thành Huy, ĐH Phenikaa cho rằng, một trong những vướng mắc hiện nay là kinh phí. “Nguồn kinh phí của của chúng ta rất ít. Nếu chúng ta không giải quyết được bài toán tài chính thì việc chúng ta có thêm một chương trình nữa để chia sẻ vào cái chi phí không đổi thì bài toán của chúng ta sẽ trở nên khó khăn gấp bội”, anh nói.
 
Về tiêu chí đánh giá, tôi cho rằng chúng ta nên nhìn vào các tiêu chí cụ thể. Thứ nhất tôi nghĩ chúng ta nên nhìn vào khả năng các nhóm nghiên cứu có đủ năng lực gọi thêm được kinh phí tài trợ ngoài kinh phí đề tài do nhà nước tài trợ hay không. Thứ hai, chúng ta nhìn vào năng lực công bố quốc tế và đăng ký sáng chế. Thứ ba là chúng ta nên đi theo tiêu chí là sự tiếp nhận của thị trường, ví dụ nhóm nghiên cứu có được thành lập một công ty spinoff hay startup không? hay có chuyển giao công nghệ, thực hiện các hợp đồng về tư vấn công nghệ, dịch vụ cho các doanh nghiệp hay không?
Đây là những tiêu chí cơ bản đánh giá được năng lực của các nhóm nghiên cứu xuất sắc. Trong trường hợp nhóm nghiên cứu đã qua tuyển chọn, đặt mục tiêu tham vọng nhưng lại bị rủi ro thì chúng ta cũng nên chấp nhận thất bại đó và dừng tài trợ cho họ.   
PGS. TS Nguyễn Trần Thuật, Phó Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, ĐHQGHN

Vì vậy, để “tập hợp được những tập thể khoa học đủ lớn để giải quyết được những bài toán liên ngành và tạo ra sản phẩm KH&CN cụ thể” ở các trung tâm xuất sắc, anh cho rằng thuyết phục các cấp lãnh đạo về “việc xây dựng các trung tâm xuất sắc, các nhóm nghiên cứu xuất sắc là cần thiết và cần hình thành một kế hoạch tài chính cụ thể thì việc xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc của chúng ta mới khả thi”. 
 
Hơn 20 năm trước, cuộc vận động của các nhà khoa học tiến bộ trên Tia Sáng về việc lấy công bố quốc tế làm tiêu chuẩn đánh giá nghiên cứu đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của Quỹ NAFOSTED. Giờ đây, một đề xuất mới đã được cộng đồng khoa học gửi gắm các nhà quản lý khoa học. Xét cho cùng, nếu không có những quyết sách tạo cơ chế đột phá cho khoa học thì có thể sẽ rất lâu nữa, chúng ta vẫn không thể trả lời một cách thấu đáo câu hỏi từ xã hội “khoa học đem lại gì cho đất nước hôm nay?”. □
 
——–
1. Tomas Hellström. “Centres of Excellence and Capacity Building: from Strategy to Impac”. Science and Public Policy
2. https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tieu-diem/13a58e6b-3668-487e-86b2-e928e7ababaa

Theo Tia sáng

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×