Kỹ thuật nuôi cá rô đồng (P1)

Thứ tư, 08/08/2018

Cá rô đồng tuy kích thước nhỏ, nhưng thịt thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao, đã từ lâu vẫn là nguồn đạm động vật quan trọng cho cư dân nông thôn.
Cá rô đồng tuy kích thước nhỏ, nhưng thịt thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao, đã từ lâu vẫn là nguồn đạm động vật quan trọng cho cư dân nông thôn.

Hiện nay, cá rô đồng trong tự nhiên còn lại rất ít do bị đánh bắt quá mức, thậm chí đánh bắt bằng những dụng cụ mang tính hủy diệt; mặt khác, do canh tác có sử dụng thuốc hóa học nên hạn chế nhiều đến sự phát triển của cá trong tự nhiên. Gần đây cá rô đồng đang được phát triển nuôi khá rộng rãi tại các địa phương. Rô đồng có thể nuôi được ở nhiều loại hình mặt nước, như: ao, mương vườn, ruộng lúa… với năng suất khá cao và hiệu quả kinh tế rõ rệt.
 

          Cá rô đồng hiện có một loài duy nhất (Anabas testudineus); tuy nhiên, những năm gần đây ở Nam Bộ đã xuất hiện thêm một dòng cá rô mới với một số đặc điểm ngoại hình đặc biệt hơn rô đồng thường: kích cỡ lớn hơn, đầu to và hơi vuông nên được gọi là “cá rô đầu vuông”.
 
I. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA CÁ RÔ ĐỒNG


          1. Phân loại

          Trong giống cá rô (Anabas) chỉ có duy nhất một loại cá rô đồng, hệ thống phân loại của cá này như sau:
          Bộ cá vược Perciformes
          Họ cá rô Anabantidaeh
          Giống cá rô Anabas
          Loài cá rô đồng Anabas testudineus Bloc, 1792

          2. Phân bố

          Ro đồng sống trong môi trường nước ngọt, phân bố khá rộng từ nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia đến Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Philippins và các quần đảo giữa Ấn Độ và châu Úc. Ở Việt Nam, cá có khắp các địa phương, ở các loại hình mặt nước như ao, hồ, kênh mương, ruộng lúa, đầm lầy, ruộng trũng…
          Cá rô trong tự nhiên có đặc tính đi thành từng đàn lớn theo dòng nước; cá trưởng thành, vào mùa sinh sản cũng đi tìm nơi thích hợp để đẻ trứng, do vậy thường gặp cá rô đồng ngược nước vào những ngày mưa.
          Nhiệt độ thích hợp cho cá phát triển tốt nhất từ 26- 30 độ C, pH thích hợp là trung tính hơi axít (6,5- 7). Ở miền Bắc, vào mùa đông giá lạnh, vào những ngày rét hại và rét đậm, khi nhiệt độ không khí hạ xuống thấp thì cá rô đồng trong tự nhiên, nhất là ở các ruộng lúa, mương, những nơi có mực nước thấp, cá sẽ bị chết rét nhiều.
  
          3. Đặc điểm ngoại hình

          Cá rô đồng có thân hình thon, dài hình bầu dục, phía sau dẹp ngang, đầu rộng, mõm ngắn và hơi tròn. Thân cá màu xanh nâu pha hơi vàng nhạt, mắt to, đỉnh đầu và mặt bên đều phủ vẩy lược, rìa nắp mang có răng cưa, toàn thân phủ vẩy lược; Gai vây rất cứng và chắc, gốc vây lưng rất dài, phần gai gần bằng bốn lần phần tia mềm; gốc vây đuôi có đốm đen tròn, vây lưng, vây đuôi và vây hậu môn màu xanh đen, các vây khác màu xanh nhạt.

          Cá có cơ quan hô hấp phụ nằm trên cung mang thứ nhất (gọi là mê lộ, hay hoa khế); cơ quan hô hấp giúp cho cá sống được trong môi trường thiếu ôxy; tiêu hao ôxy của cá thấp, trung bình 0,025- 0,03mg ôxy/gam/giờ (chỉ bằng 1/5 của cá mè trắng và ½ của cá tra). Rô đồng còn có khả năng sống lâu trong điều kiện thiếu nước và chúng có thể di chuyển trên cạn đi rất xa bằng các vây cứng. Cá sống được ở điều kiện pH rất thấp mà đa số các loài khác không sống được; ở những vùng bị ngập trong nước phèn (pH nhỏ hơn hoặc bằng 4) cá vẫn có thể sống bình thường.

          Cá rô đầu vuông, qua các kết quả nghiên cứu và thực nghiệm cho thấy một số đặc tính cũng giống với cá rô thường và cũng chịu đựng tốt với môi trường sống có nhiều bất lợi.
 

          4. Dinh dưỡng và tính ăn của cá

          Rô đồng là loài ăn tạp, nhưng chúng thích ăn những thức ăn động vật. Cấu tạo ống tiêu hóa của cá có dạ dày, ruột ngắn, tỷ lệ chiều dài ruột trên chiều dài thân trung bình nhỏ hơn 1 (kể cả cá rô đầu vuông), chứng tỏ cá có tính ăn thiên về động vật. Miệng cá có nhiều răng và có thể nghiền những loại thức ăn là hạt có vỏ cứng; cá thích ăn các loài động vật không xương sống trong nước hoặc bay trong không khí, như sâu bọ, ăn cả mùn bã hữu cơ, động vật chết và cả các loại rong, cỏ, hạt.

          Nuôi trong ao, khi phân tích thức ăn trong ống tiêu hóa của cá ở giai đoạn phát triển cho thấy thành phần thức ăn của cá đa dạng và phong phú. Giai đoạn còn nhỏ, cá ăn chủ yếu động, thực vật phù du và mùn bã hữu cơ, khi lớn chúng vẫn tiếp tục ăn thức ăn trên, đồng thời ăn cả các loại thức ăn có kích thước lớn hơn như nhóm thực vật có hạt (lúa, mầm, hạt cỏ…), lá bèo, rong; nhóm động vật có tép, giun, trứng cá, trứng ếch, cá con, nòng nọc, cào cào, sâu bướm… Cá còn có thể ăn cả thức ăn nổi trên mặt nước, trôi nổi trong các tầng nước và dưới đáy ao, gồm cả mùn bã hữu cơ và động vật đáy. Nhìn chung, rô đồng là loài ăn khá tạp và tương đối dễ tính trong lựa chọn thức ăn. Nuôi rô đồng có thể sử dụng đa dạng nhiều các loại thức ăn, như thức ăn chế biến hỗn hợp các nguyên liệu cám, bột cá, cá tạp xay nhỏ; thức ăn chế biến kết hợp với thức ăn viên công nghiệp hoặc hoàn toàn là thức ăn công nghiệp.

          Tính ăn của cá rô đầu vuông cũng giống như cá rô thường, nhưng với cùng một mức tăng trưởng thì tiêu tốn thức ăn ở cá đầu vuông lại ít hơn. Hiện nay, nuôi cá rô đồng chủ yếu sử dụng thức ăn viên công nghiệp, cá tăng trưởng nhanh và có hiệu quả kinh tế khá cao.

          5. Sinh trưởng của cá rô đồng

          Cá rô đồng thường được xếp vào những loài cá có kích thước nhỏ, cỡ cá thường gặp từ 50- 100g, ít khi gặp cỡ cá 300- 400g, tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với các loài cá khác. Cá sống trong tự nhiên 1 năm tuổi có trọng lượng đạt tới 60- 80g (cả cá cái và đực). Cá đực thường có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn cá cái cùng lứa; khi đã đạt kích cỡ 50g, cá đực lớn rất chậm.

          Rô đồng thường nuôi trong ao với thức ăn chế biến, sau 5- 6 tháng cá đạt trọng lượng từ 60- 100g/con. Nuôi bằng thức ăn chế biến kết hợp thức ăn viên hoặc thức ăn viên công nghiệp có hàm lượng đạm 28- 35%, sau 5- 6 tháng cũng có thể đạt cỡ 60- 100g/con, cá biệt có con đạt 150 gam. Trong ao nuôi khi thu hoạch, cá cái thường có trọng lượng lớn hơn cá đực; vì vậy khi nuôi đàn cá có nhiều đực thì tiêu tốn thức ăn cao, nhưng năng suất kém hơn những đàn có nhiều cá cái.

          Cá rô đầu vuông có một số đặc tính ưu việt hơn: tăng trưởng rất nhanh, đực và cái đều lớn tương đương nhau. Với thức ăn viên công nghiệp hàm lượng đạm 26- 28%, thời gian nuôi chỉ cần 4 tháng là có thể thu hoạch, với kích cỡ cá đạt 150 gam/con.

          6. Đặc điểm sinh sản

          Rô đồng là loài cá dễ thành thục; cá có thể thành thục lần đầu sau 10 tháng tuổi, khi rô đồng thường có khối lượng thân trung bình 50- 60g trở lên, rô đầu vuông đực có khối lượng 250g trở lên. Mùa vụ sinh sản trong tự nhiên vào các tháng đầu và giữa mùa mưa, tập trung nhiều nhất vào các tháng 6-7. Các tháng 11 đến tháng 1 là thời kỳ tuyến sinh dục đã đẻ xong hoặc trứng thoái hóa và chuyển về giai đoạn II, lúc này cá tích lũy nhiều mỡ để chuẩn bị phát triển tuyến sinh dục bắt đầu cho mùa sinh sản mới.

          Sức sinh sản của cá rô đồng khá cao, có thể đạt 1.000.000 trứng/kg cá cái. Sức sinh sản tuyệt đối của cá cái bình thường nặng 90g đạt tới 120.000 trứng. Trứng cá có lớp màng bên trong chứa các hạt mỡ, nên nổi được trên mặt nước; trứng dễ dàng nở thành cá bột trong điều kiện tự nhiên, với lượng trứng khá lớn nên lượng cá giống trong tự nhiên rất phong phú.
 

          Mùa sinh sản vào đầu mùa mưa, nên cá giống trong tự nhiên chủ yếu khai thác vào các tháng trong mùa mưa. Thời gian này, cá con bơi thành từng đàn lớn theo dòng nước ở sông và các kênh rạch. Trong các ao đầm, khi lấy nước từ kênh rạch, thì cá cũng theo nước bơi vào ao. Do có nhiều đàn cá con với thời gian sinh đẻ khác nhau, nên kích cỡ cá giống thu được trong tự nhiên không đồng đều. Mặc khác cá giống trong tự nhiên còn mang tính hoang dã, nên cá hay tìm cách thoát ra khỏi ao, nếu bờ không được chắn kỹ vào những ngày mưa lớn, hoặc cá đói do thiếu thức ăn.

          Trong sinh sản nhân tạo, cá nuôi vỗ trong ao dễ dàng thành thục sau 2-3 tháng nuôi vỗ. Hiện nay có thể kích thích cho cá đẻ nhân tạo bằng kích dục tố hoặc các chất kích thích sinh sản như HCG (Human Chorionic Gonadotropin), LH-Rha (Lutenizing Hormon- Releasing Hormon analog) và chúng ta đã hoàn toàn chủ động nguồn giống nhân tạo để phát triển cá nuôi.
 
II. SẢN XUẤT GIỐNG CÁ RÔ ĐỒNG

          Điều kiện môi trường thích hợp cho cá rô đồng phát dục thành thục và tham gia sinh sản là nhiệt độ nước từ 28- 31 độ C; pH 6- 8; hàm lượng ôxy hòa tan 2-3mg/lít; trứng cá phát triển trong khoảng nhiệt độ 28- 31 độ C.

          Biện pháp kỹ thuật để sản xuất giống cá rô đồng thường và cá đầu vuông  gần như giống nhau. Để cá phát dục và đẻ đồng loạt phải dùng biện pháp kích thích nhân tạo. Trong điều kiện nuôi vỗ chủ động, cá có thể đẻ tái phát dục 1-3 lần/năm.
 
        Nuôi vỗ cá bố mẹ
Mùa vụ nuôi vỗ cá bố mẹ từ tháng 11- 12; cá bố mẹ bình thường có trọng lượng tối thiểu 60g trở lên (8 tháng đến 1 năm tuổi), cá đầu vuông tối thiểu 200g, cá khỏe mạnh, không dị hình, dị tật, vây vẩy hoàn chỉnh. Phải xử lý tắm nước muối 3% từ 1- 2 phút trước khi thả xuống ao nuôi vỗ.
Ao nuôi có diện tích 200m2 trở lên, độ sâu 1- 1,2m; trước khi thả cá phải tát cạn ao, rải vôi bột 7- 10kg/100m2 đáy ao, phơi đáy ao từ 1- 2 ngày rồi lọc nước từ từ vào ao đến khi đạt đúng độ sâu thì tiến hành thả cá. Mật độ nuôi chung cá bố mẹ 1- 1,5kg/m2, tỷ lệ đực cái là 1/1

       Cho ăn và chăm sóc
  • Thức ăn cho cá bố mẹ
Nếu là thức ăn hỗn hợp chế biến gồm các nguyên liệu:
Cám: 35- 40%
Tấm: 20%
Bột cá hoặc con ruốc khô: 40- 45%
Tất cả trộn đều, nấu chín và rải xuống sàn cho cá ăn; khẩu phần thức ăn chế biến là 5- 7% trọng lượng thân.
Nếu dùng thức ăn viên công nghiệp, chọn loại thức ăn có kích cỡ nhỏ vừa miệng cá, hàm lượng protein tổng cộng 26- 30%. Khẩu phần thức ăn công nghiệp là 2% trọng lượng thân.
  • Quản lý môi trường ao nuôi
Những khu vực có thể lợi dụng được sự chênh lệch của thủy triều thì thay nước theo thủy triều, những vùng nuôi khác phải thay nước bằng bơm. Nước ao thay đổi định kỳ bằng bơm mỗi tuần 2 lần, lượng nước thay từ 20- 30% lượng nước trong ao.
Theo dõi màu nước, mùi nước để xử lý kịp thời. Nếu ao có mùi hôi, nước xanh quá đậm hoặc màu nâu đen là nước bị ô nhiễm, phải nhanh chóng thay nước mới.
 

           Kiểm tra phát dục thành thục của cá
 
Sau nuôi vỗ được 1- 2 tháng, cá bắt đầu phát dục và dễ dàng phân biệt được đực cái. Cá đực có gai sinh dục nhỏ và nhọn; cá cái gai sinh dục lớn hơn, không nhọn đầu và hơi lồi, đỏ mọng. Khi vuốt nhẹ lườn bụng cá đực có thể thấy một ít tinh dịch màu trắng đục, hơi hồng chảy ra.
Có thể mổ một số cá thành thục trong đàn để đánh giá mức độ thành thục hoặc dùng que thăm trứng để lấy trứng ra quan sát. Quan sát hạt trứng đạt thành thục có kích thước đều, màu vàng hơi nâu.

           Cho cá đẻ nhân tạo
  • Chuẩn bị bể cho cá đẻ
Bể cá đẻ có kích thước từ 10- 20 m2, tùy số lượng cá đẻ nhiều hay ít. Mức nước sâu 0,4- 0,8m, nước sạch và trong. Có thể cho dòng nước chảy nhẹ để cá khỏe và kích thích đẻ tốt hơn.
  • Lựa chọn cá bố mẹ cho đẻ
Cá bụng to, mềm đều, hạt trứng đều, màu vàng nâu nhạt. Cá đực và cái đều khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Tỷ lệ cá đực cái cho đẻ là 2/1.
  • Kích dục tố sinh sản
Sử dụng LH- Rha hoặc HCG đều được, liều lượng như sau:
Cá cái: LH- Rha 80- 100 ug/kg; hoặc HCG 2500- 3000 UI/kg
Cá đực: Liều tiêm bằng 1/3- ½ cá cái
Vị trí tiêm ở gốc vây ngực
Sau khi tiêm thuốc 3- 4 giờ thì cá có hiện tượng bắt cặp, thời gian hiệu ứng từ 6- 8 giờ sau liều tiêm quyết định, cá cái bắt đầu đẻ trứng và cá đực đi theo tiết tinh dịch để thụ tinh cho trứng.
Thời gian đẻ thường kéo dài 2- 3 giờ; trứng mới đẻ có kích thước nhỏ, khi trương nước đường kính trứng đạt khoảng 0,8- 1mm.
Sau khi cá đẻ 1- 2 giờ, dùng vợt mềm vớt hết trứng đưa vào dụng cụ ấp.
 
              Ấp trứng

Trứng được ấp trong thau, chậu hoặc bể xi măng, bể lót bạt; mật độ ấp 40.000- 50.000 trứng/m2, không cần sục khí trong quá trình ấp trứng.
Thường xuyên vớt các trứng hư (trứng có màu trắng đục) ra khỏi bể ấp. Thời gian từ khi trứng thụ tinh đến khi cá nở ở nhiệt độ nước 28- 30 độ C là 18- 20 giờ. Cá mới nở còn yếu và dinh dưỡng bằng noãn hoàng; sau 2- 3 ngày cá hết noãn hoàng thì chuyển xuống ao ương.
Sau khi cá đẻ, chuyển cá xuống ao nuôi vỗ trở lại; nếu nuôi vỗ tốt, cá bố mẹ có thể tái thành thục sau 20- 25 ngày.

          Ương cá bột lên cá giống
  • Chuẩn bị ao ương
Ao ương có diện tích từ 500- 1.000m2; trước khi thả cá phải tát cạn ao, bón vôi 10kg/100m2, bón phân chuồng (heo, gà ủ hoai) 20- 25kg/100m2). Tháo nước vào ao 2- 3 ngày trước khi thả cá; khi thấy màu nước ao đã trở nên xanh đọt chuối non thì thả cá bột.
Phải tranh thủ diệt bọ gạo trước khi thả cá bột, dùng dầu hỏa đổ vào trong một khung hình vuông hoặc tròn làm bằng tre, hoặc ống nhựa với cạnh hoặc đường kính 2m, khung đặt ở góc ao, sau đó kéo rê khung có dầu hỏa khắp ao, đi tới đâu thì bọ gạo nổi chết đến đó.
  • Mật độ thả ương: 500- 600 con/m2
  • Chăm sóc cá
Cá mới thả xuống ao sẽ ăn trực tiếp thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao, chủ yếu là các loại động vật phù du. Cho ăn thêm thức ăn ngoài như sau:
Lượng thức ăn cho 10.000 con cá bột:
+ Trong 10 ngày đầu: 5 quả trứng vịt + 400g bột đậu nành/ngày (tất cả phải nấu chín).
+ Từ ngày 11- 20: 300g bột đậu nành + 300g cám nhuyễn + 300g bột cá/ngày.
+ Từ ngày thứ 21- 30: 600g cám + 600g bột cá/ngày.
+ Từ ngày 31- 40: Cám + bột cá tỷ lệ 1:1; khẩu phần ăn 10- 15% trọng lượng cá trong ao.
+ Sau 50- 60 ngày: Cá đạt trọng lượng 3- 3,5g, có thể chuyển sang nuôi cá thịt.
 
(Còn tiếp)
ĐH
              Theo Chương trình 100 nghề cho nông dân

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×