Thông tin Khoa học công nghệ
Nhà báo bình chọn 10 sự kiện khoa học công nghệ 2024
Thứ ba, 24/12/2024
Tái khởi động dự án điện hạt nhân, ban hành chiến lược ngành bán dẫn... là một trong những sự kiện khoa học công nghệ nổi bật 2024 được CLB Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam bình chọn, công bố chiều 23/12.
10 sự kiện được chia thành các nhóm về chính sách khoa học công nghệ, khoa học ứng dụng, khoa học nhân văn và tôn vinh nhà khoa học.
Tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, được kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ra Nghị quyết tiếp tục thực hiện. Quốc hội đồng thời giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm nhà máy 1 và 2, với tổng công suất 4.000 MW được Quốc hội Khóa XII đã thông qua cuối năm 2009. Bảy năm sau đó, Quốc hội đồng ý dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án.
Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng ký hôm 21/9. Mục tiêu của chiến lược, đến năm 2030 Việt Nam hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn. Đến năm 2050, Việt Nam đạt 50.000 kỹ sư, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Phòng thí nghiệm bán dẫn của Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP-Labs), tháng 12/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố ngày 12/3. Hà Nội là địa phương dẫn đầu PII năm 2023, tiếp đến là TP HCM và Hải Phòng. Bộ chỉ số nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Thứ trưởng Hoàng Minh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn nút công bố kết quả PII năm 2023. Ảnh:Tùng Đinh
Về khoa học ứng dụng, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) công bố làm chủ công nghệ quan trắc, báo tin động đất. Hiện cơ quan này đang vận hành gần 100 trạm quan trắc động đất trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Dữ liệu trong năm 2024 ghi nhận 463 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,4 đến 5,0 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam. Trong số này có 59 trận động đất có độ lớn M ≥ 3.5 đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Viettel vận hành trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam hồi tháng 4 với công suất 30MW. Đây là trung tâm dữ liệu đầu tiên của Việt Nam được thiết kế công suất cao, gấp 2 lần mức trung bình, nhằm đáp ứng xu thế phát triển của AI với yêu cầu về các con chip hiệu năng cao, gia tăng khả năng tính toán.
FPT xây dựng Trung tâm trí tuệ nhân tạo tại TP Quy Nhơn, Bình Định trị giá hơn 4.300 tỷ đồng hồi tháng 8. Dự án có quy mô hơn 93,2 ha, tổng vốn đầu tư 4.362 tỷ đồng. Trung tâm AI được xác định là nơi nghiên cứu, đào tạo, sản xuất phần mềm, hỗ trợ chuyển đổi số, cung cấp giải pháp an ninh mạng, an ninh xã hội, AI phục vụ con người, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị dịch vụ.
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Hội Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện khu cư trú người tiền sử niên đại 8.000 năm tại địa phương này. Các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều dấu vết người tiền sử tại 4 di tích thuộc hơn 20 hang tại 2 xã Quảng Khê và Đồng Phúc, huyện Ba Bể sau hơn một tháng thực địa. Bước đầu đoàn khảo sát nhận định hang Kẹm Liềm là một di tích cư trú của người tiền sử thuộc giai đoạn sớm của thời đại đá mới có niên đại khoảng 7.000 - 8.000 năm cách ngày nay.
Techfest 2024 và 10 năm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hải Phòng cuối tháng 11. Trong lần thứ 10 tổ chức, Techfest 2024 đánh dấu những thành tựu nổi bật với gần 10.000 lượt người tham dự; quy tụ hơn 1.100 diễn giả và chuyên gia hàng đầu, tạo cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kết nối với hơn 200 đại diện quốc tế. Gần 400 gian hàng triển lãm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã mang đến những sản phẩm và giải pháp công nghệ độc đáo.
Các công nghệ được giới thiệu tại Techfest 2024. Ảnh: Phương Minh
Chính phủ chủ trương hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc hợp nhất hai bộ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, đồng bộ về mặt chính sách, thuận lợi cho việc phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích các giải pháp công nghệ.
Tôn vinh nhà khoa học năm 2024 thuộc về PGS.TS Hoàng Chí Thiêm, người Việt đầu tiên đoạt giải thưởng thiên văn quốc tế Đài Loan (Trung Quốc). PGS Thiêm, 45 tuổi, hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học thiên văn vũ trụ Hàn Quốc và Đại học Khoa học công nghệ Hàn Quốc) đã đoạt Giải thưởng bài giảng cho nhà thiên văn học trẻ toàn thế giới năm 2024 do Đại học Ƭrung ương Đài Loan tặng. Ông là người Việt Nam đầu tiên, đồng thời là người thứ 4 đang làm việc ở châu Á đoạt giải thưởng nàу.
Theo Vnexpress.vn
Bài viết cùng chuyên mục
- Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ công bố xếp hạng Chỉ số PII 2024
- Bộ Chính trị chỉ đạo ưu tiên nguồn lực phát triển khoa học công nghệ
- Toàn văn Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới...
- Nhà khoa học Việt phát triển khí cầu trực thăng tuần tra trên cao
- 'Khám bệnh' cho lúa bằng trí tuệ nhân tạo ở Bình Định
- 'Cánh tay nhân tạo' thắng giải công nghệ cho người khuyết tật
- Ngắm trang bị 'Người lính tương lai' tích hợp AI do Việt Nam sản xuất
- Thước đo khoa học: Xây dựng hệ thống chỉ mục ngoài phương Tây?
- Màn tham luận đặc biệt tại Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX
- Phiên trọng thể Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận