Nỗ lực, đam mê và sáng tạo để thành công

Thứ hai, 03/12/2018

Sự nỗ lực, đam mê, sáng tạo và giàu nghị lực là những phẩm chất đáng quý của các nhà khoa học hay người nông dân, những người đã sáng chế ra sản phẩm hữu ích phục cho sản xuất, nghiên cứu là những nội dung mà chúng tôi muốn nói đến trong bài viết này, mời các bạn cùng tìm hiểu họ là ai nhé.
Sự nỗ lực, đam mê, sáng tạo và giàu nghị lực là những phẩm chất đáng quý của các nhà khoa học hay người nông dân, những người đã sáng chế ra sản phẩm hữu ích phục cho sản xuất, nghiên cứu là những nội dung mà chúng tôi muốn nói đến trong bài viết này, mời các bạn cùng tìm hiểu họ là ai nhé.
 

1. Những người chế tạo tàu mini không người lái để khảo sát biển


 Xuất phát từ những khó khăn trong khảo sát, đo số liệu trong ngành bản đồ khi cán bộ phải trực tiếp đến những vùng nước nguy hiểm, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thiết kế, chế tạo tàu tự hành để thay con người đo số liệu.

Tàu được thiết kế chạy tự động, không cần người lái và có thể đo số liệu ở vùng nước từ 1 - 1.000 mét. Vỏ tàu làm bằng nhựa composite. Trong thân tàu được gắn phần mềm ghi dữ liệu, camera trực tuyến, máy định vị vệ tinh, ăngten và một thiết bị đo sâu hồi âm. Một máy tính nhỏ như điện thoại cũng được gắn ở trong để lưu số liệu và tự động gửi về hệ thống qua tín hiệu radio.


Cán bộ Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ giới thiệu về tàu khảo sát "Made in Vietnam". (Ảnh: BN).
 
Ths Lưu Hải Âu, Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ cho biết, thiết bị này được nhóm nghiên cứu chế tạo trong một năm từ đề tài nghiên cứu do Viện thực hiện. Toàn bộ phần cứng đến phần mềm đều chủ động làm trong nước.

Khác với các con tàu đo số liệu biển, chỉ đo được ở khu vực nước sâu và cán bộ đo trên tàu đó đôi khi gặp nguy hiểm do gặp bão hoặc các vấn đề an ninh. Chiếc tàu này có thể đo sâu được 1.000m nhưng cũng có thể chạy được ở vùng nước nông do mức mớm nước rất thấp mà không cần người lái. Đối với khu vực ven bờ, vùng đá, san hô con người không thể tiếp cận thì tàu vẫn đến và đo được số liệu.

Nhóm nghiên cứu cho biết, với thiết kế hiện tại tàu có tải trọng 60kg, được gắn hai bình ắc quy nên có thể đo trong thời gian 8 -10 tiếng.

Theo Ths Hải Âu, trên thế giới có nhiều thiết bị tương tự. Ban đầu Viện dự định thiết kế hệ thống điều khiển và phầm mềm khảo sát nhưng đi mua tàu các hãng chế tạo tàu đều không bán. Lý do là đối tượng khảo sát của ngành bản đồ bao giờ cũng gắn với chữ “mật”. Vì vậy nhóm nghiên cứu đã tìm cách thiết kế phù hợp nhu cầu trong nước.

"Đây là thiết bị chế tạo để phục vụ công tác nghiên cứu nên hình thức không được đẹp nhưng có thêm nhiều tính năng chuyên biệt phục vụ cho hoạt động điều tra, khảo sát", Ths Hải Âu nói và cho biết với thiết bị này ở những vùng biển khó khăn về an ninh, hay ô nhiễm, con người sẽ không cần xuất hiện mà chỉ cần tàu thả xuống sẽ tự động chạy và gửi thông số về nhà. Tàu cũng có thể tự động chạy ngầm rà soát, đo số liệu để phát hiện các nhà máy thải nước thải trộm xuống biển.

Hiện tàu đã chạy thử nghiệm đo trên vùng nước chảy xiết ở sông Lô, sông Đà cho kết quả tốt. Nhóm nghiên cứu cho biết, khi có điều kiện sẽ tiếp tục hoàn thiện để tàu có hình thức đẹp hơn.
 

2. Nhóm kỹ sư, thợ cơ khí thiết kế Cột đèn thông minh cảnh báo nước ngập


Nhằm phòng ngừa tai nạn, rủi ro cho người và phương tiện khi qua các ngầm tràn, suối... trong mùa mưa lũ, ông Nguyễn Đức Thành, thôn Cầu, xã Nhã Nam, Tân Yên (Bắc Giang) cùng một số cá nhân khác đã chế tạo cột đèn an toàn giao thông (ATGT) ứng dụng công nghệ thông minh. 

Ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ, bản thân từng được đào tạo chuyên ngành về cơ khí, điện máy và thành lập doanh nghiệp. Qua tìm hiểu, ở các ngầm, đập tràn, đoạn đường do mưa lũ làm ngập trên cả nước chưa có thiết bị nào áp dụng công nghệ thông tin cảnh báo mức độ ngập có thông số về độ sâu của nước cho người và phương tiện qua lại; nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do bị nước cuốn trôi. Do đó, ông và một người bạn thân là kỹ sư điện tử quê ở Hà Nội nảy ra ý tưởng chế tạo cột đèn cảnh báo.
 
 
 
Mô hình cột đèn cảnh báo nước ngập của nhóm tác giả.

Cột đèn làm bằng ống thép giống như cột biển báo ATGT, chiều cao 3m, phun sơn phản quang cảnh báo vị trí ranh giới trên các đoạn đường ngập nước. Chân cột có gắn biển báo độ sâu của nước với các mức khác nhau, khi cột bị ngập nước đến đâu sẽ hiển thị độ sâu đến đó. 

Đỉnh cột gắn tấm pin năng lượng mặt trời, tự động phát sáng về đêm để soi các đoạn ngầm bị ngập, ban ngày đèn tự động tắt; có đèn đỏ nháy, ủ báo khi mức nước nguy hiểm... Năng lượng điện được tích lũy bằng bình ắc quy xe máy, xe đạp điện 12 v -10Ah gắn trên thân hộp của cột đèn (dùng cho đoạn đường không có điện lưới). 

Đặc biệt, cột có lắp điểm cảm biến bằng các thanh kim loại để báo mức độ ngập nước khác nhau. Khi nước chạm vào các cảm biến này, bảng hiển thị sẽ báo mức nước ngập qua đèn hoặc bằng âm thanh. Đồng thời khi các tiếp điểm chạm nước sẽ phát ra sóng vô tuyến báo xa hay gần tùy thuộc độ mạnh yếu của thiết bị thu, phát... Cột cảnh báo còn có thể lắp đặt ở ven sông, suối để báo mức nước khi mưa, lũ hoặc các nhà máy thủy điện xả lũ... nhằm cảnh báo sớm.

Mới đây, nhóm thiết kế đã bàn giao 10 cột đèn cho một đơn vị để lắp đặt, vận hành thử nghiệm ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện nay, nhóm tác giả đang cải tiến thêm bảng hiện số cảnh báo từ điện thoại, dữ liệu, sử dụng sóng vô tuyến ở khoảng cách vài chục km. “Chúng tôi đang phối hợp với một vài công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phòng, chống cảnh báo thiên tai lên ý tưởng triển khai dự án ở nhiều địa phương trong nước”, ông Thành nói.

 

3. Anh Nông dân thu 250 triệu đồng một năm nhờ cải tiến máy nông nghiệp


 Từ những quan sát trong cuộc sống, anh Vương Hùng Nam đã cải tiến máy phục vụ sản xuất nông nghiệp được bà con nông dân đón nhận.

Anh Vương Hùng Nam (41 tuổi, xóm Thin Thượng, xã Ngọc Động, Thông Nông, Cao Bằng) dù chỉ học hết lớp 5 nhưng đã tự mày mò, làm ra máy tách lạc có tay quay giúp gia đình và nhiều bà con nông dân thoát nghèo.

Sinh ra trong gia đình hoàn cảnh khó khăn lại đông con nên anh Nam chỉ được học đến lớp 5 rồi đi tìm công việc khắp nơi để mưu sinh. Năm 1998, xa quê, anh vào miền Nam tìm việc, thấy người dân nơi đây làm nông nghiệp nhưng có nhiều máy móc tiện lợi. Trong số này có máy bóc lạc rất tiện ích, anh chụp ảnh lưu lại và nghĩ cách thử làm.

Trở về quê hương, anh tìm từng dụng cụ, tận dụng các loại gỗ tạp, mài cắt rồi ghép lại với nhau như một chiếc lu và thiết kế thêm tay quay để ép củ lạc.


Anh Vương Hùng Nam bên chiếc máy bóc lạc quay tay bằng gỗ. (Ảnh: Báo Cao Bằng).

Nhìn hình thức bên ngoài, chiếc máy giống như hình anh đã chụp, nhưng khâu vận hành khó. Sau nhiều lần thất bại, anh vẫn kiên trì thử, cuối cùng đã tìm ra chế độ vận hành phù hợp nhất. Máy chạy trơn tru, tốc độ vận hành tối đa một giờ có thể tách được khoảng 10 kg lạc, trong khi nếu bóc thủ công một ngày, hàng chục công lao động mới tách được 10 kg. Hạt lạc tách bằng máy không bị bẹp, chạm xước vỏ.

Xã Ngọc Động, huyện Thông Nông là đất trồng lạc nên sản phẩm máy tách lạc của anh nhanh chóng được bà con tìm mua. Anh kể, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 80 chiếc, với giá thành từ 800.000 – 1.000.000 đồng/chiếc. Bà con quê anh không còn phải tốn nhiều công hàng đêm bóc lạc. Nhiều gia đình nhờ vậy mà có thêm thời gian làm các công việc khác tăng thu nhập.

Không chỉ làm máy bóc lạc, anh còn nghiên cứu và cải tiến và chế tạo máy thái thức ăn gia súc từ máy của Trung Quốc. Máy sử dụng tiện lợi và không bị rò điện nên được nhân dân trong huyện và một số huyện khác tìm mua. Hàng năm anh cung cấp cho khách hàng 100 chiếc với giá bán từ 800 – 1,3 triệu đồng/chiếc.

Xưởng sản xuất của anh Nam hiện có 8 lao động thường xuyên với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Anh cũng dạy nghề cho những thanh niên trong huyện. Sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân hàng năm của gia đình đạt 200 - 250 triệu đồng.

Với những sáng tạo và đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương, anh Nam là một trong 63 nhân vật được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018.


Anh Vương Hùng Nam (thứ hai từ trái qua) trong Lễ tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc 2018 tại Hà Nội.

Năm 2015 anh cũng được trao Huân chương lao động Hạng III của Chủ tịch nước. Năm 2017 anh được trao danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Anh tâm sự, sẽ tiếp tục tìm hiểu trong sản xuất của bà con địa phương để tạo ra những phương tiện lao động tiện ích giúp bà con bỏ ra ít thời gian nhưng được nhiều việc hơn, cải thiện kinh tế gia đình.
 
 Đông Trần tổng hợp(nguồn: VNE; khoahoc.tv; Báo ĐT Bắc Giang)
 
 
 
 
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×