Nuôi cá rô đồng trong ruộng lúa (P3)
Thứ sáu, 10/08/2018

Gần đây cá rô đồng đang được phát triển nuôi khá rộng rãi tại các địa phương. Rô đồng có thể nuôi được ở nhiều loại hình mặt nước, như: ao, mương vườn, ruộng lúa… với năng suất khá cao và hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Gần đây cá rô đồng đang được phát triển nuôi khá rộng rãi tại các địa phương. Rô đồng có thể nuôi được ở nhiều loại hình mặt nước, như: ao, mương vườn, ruộng lúa… với năng suất khá cao và hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Chuẩn bị ruộng nuôi cá
Chọn những ruộng có diện tích 2.000m2 trở lên, có thể rộng tới 1 hoặc nhiều heta. Quanh khu ruộng phải có bờ bao cao hơn mực nước lũ cao nhất từ 0,3- 0,4m. Để nuôi cá đạt kết quả, phải thiết kế và xây dựng mương trú cho cá xung quanh ruộng; kích thước mương trú có chiều rộng 4- 5m, độ sâu 0,8- 1,2m. Xung quanh bờ ruộng phải có lưới chắn để ngăn chặn địch hại lọt vào. Lưới chắn phải chôn sâu và chặt, phân cách đều từng khoảng có cột chống để tránh đổ ngã. Trong khi chuẩn bị mương trú để thả cá, vẫn tiến hành làm đất ruộng để gieo cấy lúa. Giữa mương trú và mặt ruộng cấy lúa phải đắp bờ đủ cao để ngăn nước trên ruộng chảy xuống mương khi cần thiết.

Trước khi thả cá giống, phải tháo cạn nước mương bao, bắt hết cá tạp, cá dữ, lươn, rắn… sau đó bón vôi bột với lượng từ 7- 10kg/100m2, phơi nắng 2- 3 ngày rồi bón phân hữu cơ hoai mục từ 7- 10kg/100m2; sau đó lấy nước vào mương qua lưới chắn, khi đủ nước thì tiến hành thả cá.
Thả cá giống
Cỡ cá thả nuôi có trọng lượng thân từ 4- 5 gam/con (300- 500 con/kg), chọn cá khỏe mạnh, không bị xây xát, nhiều nhớt, màu sắc thân sáng và bơi lội nhanh nhẹn.
Mật độ thả nuôi 1,5- 2con/m2. Cá được tắm nước muối 3% trước khi thả nuôi.
Nên thả cá vào lúc sáng sớm, hoặc buổi chiều, khi nước trong mương trú đã mát. Sau khi cấy hoặc sạ được 20 ngày trở lên hoặc khi lúa đã bén rễ chắc thì mới dâng cao mực nước trong mương để cá tự động tràn lên ruộng lúa.
Có thể thả ghép thêm một số cá khác, nhưng không được cạnh tranh thức ăn với rô đồng. Ở đồng bằng Nam Bộ có thể thả ghép mè vinh, mè trắng, sặc rằn, với lượng cá ghép từ 15- 20%; các vùng khác và ở Miền Bắc nên thả ghép mè trắng, các chép với tỷ lệ 5- 10%. Cỡ cá thả ghép nên tương đương với kích cỡ rô đồng; thời gian thả cá ghép cùng lúc với thả rô đồng.
Thức ăn cho cá
Cá có thể sử dụng thức ăn tự nhiên có sẵn trong mương và trong ruộng lúa; ngoài thức ăn tự nhiên nếu có đủ điều kiện nên bổ sung thức ăn chế biến hoặc thức ăn viên công nghiệp cho cá (tương tự như nuôi cá trong ao); đồng thời có thể bổ sung thêm bằng nhiều loại nguyên liệu hoặc phụ phẩm khác như: Phân gia súc, gia cầm, thóc lép, bèo tấm, rau lang, rau muống, rau cải băm nhuyễn…
Lượng thức ăn cần tính đúng trọng lượng cá trong ao và cung cấp đủ cho cá; nếu là thức ăn chế biến, nên tính khẩu phần ăn từ 8- 10% trong tháng đầu và giảm dần vào các tháng sau đó. Ngoài ra, hàng ngày phải căn cứ vào mức độ ăn và theo dõi môi trường nước như màu sắc, mùi nước… để điều chỉnh kịp thời lượng thức ăn cho cá.
.jpg)
Thường xuyên kiểm tra bờ ao, cống bộng, tu sửa lưới chắn bị đổ ngã, rách, hở chân để kịp thời khắc phục. Cần lấp ngay các hang hốc của cua, rắn, chuột, ếch… và tìm cách bắt hết cá tạp, cá dữ lọt vào mương, ruộng. Hàng tháng dùng chài, lưới kéo để kiểm tra mức độ tăng trưởng của cá; thông qua tăng trưởng của cá để tính toán điều chỉnh, bổ sung lượng thức ăn hợp lý cho cá.
Định kỳ thay nước cho mương trú mỗi tuần, khi thấy nước trong mương có màu xanh quá đậm hoặc chuyển màu nâu và có mùi hôi, thì phải nhanh chóng thay nước cho cá.
Khi phát hiện cá bị bệnh, phải ngừng cho ăn, thay ngay nước mới và sạch, nhanh chóng xem xét hiện tượng, chuẩn đoán đúng bệnh để có biện pháp xử lý và điều trị kịp thời.
Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian ruộng đang nuôi cá. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng, phải rút nước trên ruộng, dồn cá hết vào mương trú. Sau khi cá đã xuống hết dưới mương, kiểm tra kỹ bờ ngăn giữa ruộng và mương, đảm bảo nước trên ruộng không rò rỉ xuống mương mới phun thuốc cho lúa. Cần xem xét kỹ thời tiết để quyết định thời gian phun thuốc hợp lý, không phun vào thời điểm sắp có cơn mưa hoặc đang mưa; nên chọn những loại thuốc ít độc hại cho cá và con người.
Sau khi phun thuốc, tùy vào tính độc hại và thời gian tác dụng của thuốc, phải đảm bảo thời gian an toàn (khi thuốc bảo vệ thực vật đã hết tác dụng) mới đưa cá lên ruộng trở lại.
Nuôi cá lưu qua 2 vụ lúa (đối với cá rô đồng thường)
Đối với cá rô đầu vuông, thời gian nuôi 1 vụ 4 tháng là cá đạt cỡ cá thịt thương phẩm, không cần phải nuôi lưu qua vụ sau. Nhưng nếu nuôi cá rô đồng thường sau 1 vụ lúa (4 tháng) cá chưa đạt cỡ thương phẩm nên phải nuôi tiếp tục sang vụ lúa thứ 2. Trước khi thu hoạch lúa, cần có biện pháp dồn cá trên ruộng xuống mương triệt để, không để sót cá trên ruộng nhằm tránh hao hụt khi thu hoạch lúa và làm đất. Có thể thu tỉa những con đã đạt cỡ thương phẩm, nhưng tránh làm xây xát số cá còn lại.
Thời gian cá sống trong mương trú, do cá đã lớn nên không gian hoạt động của cá bị hạn chế, vì vậy phải thường xuyên thay nước mới để không ảnh hưởng đến sự phát triển của cá. Giai đoạn này phải tăng cường thức ăn và quản lý giống như nuôi trong ao. Sau khi thu hoạch lúa, tiếp tục bừa, trục và làm đất gieo sạ hoặc cấy lúa trở lại rồi nhanh chóng đưa cá tràn lên ruộng khi lúa đã lớn và bén rễ chắc.
Trường hợp không làm lúa vụ thứ hai, thì sau khi thu hoạch lúa để nguyên gốc rạ rồi dâng nước ngập toàn bộ mương và ruộng để rạ mọc lúa chét, tiếp tục quản lý và chăm sóc cá cho đến khi thu hoạch.

Phòng trừ bệnh cho cá
Cá rô đồng cũng thường mắc một số bệnh như: ăn không tiêu, bệnh lở loét trên thân do nấm và ký sinh trùng, xuất huyết trên thân và các gốc vây do nhiễm vi khuẩn huyết, bệnh còi do thiếu dinh dưỡng, thiếu các loại khoáng và vitamin… Cũng còn nhiều nguyên nhân khác làm cho cá bị nhiễm bệnh, như nuôi mật độ quá dày, thức ăn không đảm bảo số lượng và chất lượng, nhất là hàm lượng đạm trong thức ăn không đủ so với nhu cầu dinh dưỡng của cá, thiếu các loại vitamin, muối khoáng hoặc cho cá ăn không đúng cách. Ngoài ra cá có thể bị nhiễm bệnh khi môi trường nước ô nhiễm do thức ăn quá dư thừa, nước ao ít được thay đổi, nhiệt độ nước ao quá nóng hoặc biến động thất thường. Vào các tháng cuối mùa mưa và thời điểm cuối năm do nhiệt độ môi trường hạ thấp cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cá, giảm sức đề kháng và dễ bị nhiễm bệnh hơn trong các tháng mùa khô.
Để phòng bệnh cho cá, trước hết phải tuân thủ các khâu kỹ thuật, như: chọn cá giống khỏe mạnh, đều cỡ, không nuôi mật độ quá dày và khâu quản lý chăm sóc cá. Trong quá trình nuôi, luôn phải giữ môi trường ao nuôi sạch, không để nước ao bị ô nhiễm. Việc điều tiết mực nước ao nuôi phải hợp lý nhằm đảm bảo môi trường nước sạch sẽ làm giảm được nguy cơ nhiễm vi khuẩn và các loại nấm hay ký sinh trùng gây bệnh cho cá. Sử dụng hợp lý các chế phẩm sinh học có tác dụng giữ cho môi trường nuôi ổn định cũng làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho cá. Thức ăn phải đủ khẩu phần và chất lượng, nhất là hàm lượng đạm và phải chú ý bổ sung thêm các vitamin, quan trọng nhất là vitamin C, nên bổ sung vào thức ăn từ 10- 20mg/kg thức ăn.
Hàng ngày phải rửa sạch các sàn ăn trước khi cho cá ăn; quan sát mức độ ăn của cá, khi thấy cá ăn ít hoặc bỏ ăn là đã có nguy cơ cá bị nhiễm bệnh, cần theo dõi và kiểm tra ngay. Khi phát hiện và xác định đúng bệnh, mới sử dụng thuốc để chữa trị. Trị bệnh cho cá phải theo đúng nguyên tắc đúng thuốc, đúng bệnh và đủ liều lượng, đủ thời gian dùng thuốc. Tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất và thuốc kháng sinh đã bị cấm.
ĐH
Theo Chương trình 100 nghề cho nông dân
Theo Chương trình 100 nghề cho nông dân
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Việt Nam có thuốc y học cổ truyền đầu tiên điều trị Covid-19
- Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2023: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
- Na Uy mở đường hầm dài nhất thế giới cho xe đạp
- Ngày mai có thể quan sát nhật thực lai hiếm gặp
- Phó giáo sư Việt làm hệ thống sạc không dây cho ôtô điện
- Thủ tướng: 'Tập trung nhân lực cho công nghệ chip, vi mạch là hướng đi đúng'
- Tuổi Trái Đất được tính như thế nào?
- Ngoại trưởng Mỹ xem trình diễn robot tại Đại học Bách khoa Hà Nội
- Vì sao khi huấn luyện mô hình ChatGPT cần tới 700.000 lít nước?
- Ảnh chụp chưa từng có về 'tinh vân con cua'
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận