Cách chọn thực phẩm, rau quả an toàn

Thứ hai, 03/02/2020

Ăn rau, củ sống giúp cơ thể hấp thu toàn bộ chất dinh dưỡng, còn nấu chín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế bệnh tiêu hóa.

I. Cách chọn rau quả  


Ăn rau, củ sống giúp cơ thể hấp thu toàn bộ chất dinh dưỡng, còn nấu chín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế bệnh tiêu hóa.

Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Mộc Lan cho biết tùy thuộc vào nguồn cung cấp rau quả và sở thích mỗi người mà lựa chọn cách chế biến phù hợp.

Nếu muốn ăn sống, nên mua rau ở cơ sở uy tín và có nguồn gốc. Nguyên nhân, rau sống có nguy cơ cao chứa các loại ký sinh trùng do trồng chủ yếu ở ao, hồ và tưới bằng nước bẩn, bón phân tươi. Ngâm rau trong nước muối loãng không diệt trừ được giun sán, lượng hóa chất bám trên rau cũng không giảm đi đáng kể mà còn khiến mùi vị có thể bị thay đổi. Ngoài ra, ngâm rau sống quá lâu cũng có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng.

* Không nên mua rau có màu sắc quá xanh, quá non, mỡ màng vì có thể được sử dụng nhiều phân, đạm.

* Không chọn mua rau đã úa vàng hay bị nhũn vì chúng đã bắt đầu có dấu hiệu phân hủy.

* Củ, quả nên chọn loại còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát.

Sau khi mua rau, cần nhặt sạch rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch, rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy. Có thể ngâm rau với giấm giúp tiêu diệt vi khuẩn, virus, phá vỡ phấn, lông bên ngoài rau rồi rửa lại bằng nước sạch một lần nữa.

Nếu là cọng rau lá to thì bẻ ra từng nhánh, từng lá, lật qua hai bề mặt để rửa, sau đó bỏ vào thau, rửa lại bình thường một hoặc hai nước. Khi rửa sạch cần để ráo nước, hạn chế vẩy qua rồi ăn ngay dễ gây đau bụng. Lưu ý, không dự trữ rau quá lâu trong tủ lạnh.

Trước khi nấu, nên rửa rau trước khi cắt, thái để đảm bảo giữ được lượng vitamin trong rau, nhất là các vitamin tan trong nước như C và nhóm B có thể mất hơn 50% khi rửa quá kỹ hoặc luộc quá chín. Nên làm sạch bề mặt bếp, thớt, dao trước khi đã gọt vỏ và cắt thái rau củ quả bằng nước ấm và xà phòng.


Trong bữa lẩu, có thể ăn sống hoặc nhúng rau để ăn

Đối với món ăn nấu, không nên nấu quá chín hoặc quá nhừ. Khi nấu, cần phải căn chuẩn thời gian, mở vung để không làm mất màu rau tự nhiên. Một số loại củ như cà rốt và khoai tây mất thời gian nấu hơn đậu hoặc rau xanh. Nếu nấu một hỗn hợp các loại rau, hãy bắt đầu bằng những rau lâu chín nhất, sau cùng mới đến rau nhanh chín hoặc nấu rau với thực phẩm khác thì nên để rau vào sau cùng.

Hạn chế cho quá nhiều rau vào chảo để luộc hay xào khiến nhiệt độ trong chảo giảm, phân bố không đều, rau bị om lâu có thể khiến các chất dinh dưỡng trong rau giảm, rau không giữ được màu xanh vốn có.

Ngoài ra, hấp là cách tốt nhất để giữ lại nước trong rau. Xào rau nhanh cũng giữ lại được một số chất dinh dưỡng, cũng có thể sử dụng lò vi sóng để chế biến rau.

Đặc biệt, người bị rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, suy thận nên cân nhắc ăn rau sống. Phụ nữ mang thai nên nấu chín để hạn chế vi khuẩn, có thể gây nguy hiểm đối với mẹ và thai nhi.
 

II. Cách “khử” thuốc trừ sâu trong rau củ


Ngày nay, vấn đề thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại trong rau quả là nỗi lo của hầu hết các gia đình. Vậy phải làm sao để giảm bớt lượng thuốc trừ sau trên rau củ quả để đảm bảo an toàn thực phẩm tốt cho sức khỏe của mọi người?

Cách rửa rau quả đúng cách



Tỉ lệ thuốc trừ sâu trong hoa quả, rau xanh và các loại đỗ là cao nhất

Rau quả thường có có dư lượng thuốc trừ sâu bởi vì phiến lá của rau mềm mại, lượng nước nhiều, các loại sâu, côn trùng thích ăn nên khi trồng phải phun nhiều thuốc trừ sâu bảo vệ.

Rau gia vị có lượng thuốc trừ sâu ít hơn do tinh dầu trong các rau này chính là thuốc đuổi côn trùng tự nhiên.

Sâu bệnh rất thích đậu đũa, hẹ nên thường bị phun nhiều thuốc trừ sâu, trong đó có nhiều thuốc trừ sâu có tộc tính cao.

Dưa chuột, cà chua do độ ẩm môi trường phát triển lớn dễ sinh bệnh, nên thuốc diệt nấm khuẩn nhiều. So với thuốc trừ sâu, thuốc diệt khuẩn nấm gây nguy hại cho cơ thể ít hơn.



Phương pháp đơn giản sau giúp giảm nhẹ thuốc trừ sâu

1. Ngâm rau trong nước sạch khoảng 5-10 phút mới rửa hoặc dùng nước vo gạo để ngâm, mục đích để trung hòa tính độc tố ở thuốc trừ sâu.

2. Dùng nước muối 5% rửa rau.

3. Dưa chuột, cà tím hoặc những loại củ quả có lượng thuốc trừ sâu đậm đặc tốt nhất là rửa sạch, gọt vỏ ngoài mới ăn.

4. Làm nóng ở nhiệt độ cao cũng làm cho thuốc trừ sâu phân giải, một số loại rau chịu nhiệt như súp lơ, đỗ, rau cần… sau khi rửa sạch, chần qua bằng nước nóng 2 phút làm cho lượng thuốc trừ sâu suy giảm 30%, sau đó nấu ở nhiệt độ cao, như vậy sẽ tẩy trừ được 90% lượng thuốc trừ sâu.

5. Ánh nắng mặt trời làm cho lượng thuốc trừ sâu trên rau bị phá vỡ, phân giải. Để rau dưới ánh nắng mặt trời 5 phút, lượng thuốc trừ sâu tàn lưu trên rau như thủy ngân hữu cơ, clo hữu cơ giảm được khoảng 60%.


Ngâm trái cây, rau củ với giấm

6. Giấm là một trong những thành phần hiệu quả nhất để loại bỏ vi trùng và thuốc trừ sâu từ trái cây và rau củ vì nó có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ. Bạn chỉ cần pha loãng 10% giấm trắng với 90% nước, ngâm trái cây và rau quả của bạn trong đó. Ngâm trong khoảng 10 phút, trong thời gian đó bạn hãy khuấy rau củ và trái cây thật đều trong hỗn hợp. Cuối cùng rửa lại một lần với nước đun sôi để nguội là được.

7. Baking soda là một phương pháp tuyệt vời để làm sạch các loại trái cây, rau quả có chứa dư lượng thuốc trừ sâu một cách tự nhiên và hiệu quả.


Baking sodaBaking soda giúp loại bỏ hóa chất độc hại hiệu quả

Cho vào thau chuyên dùng rửa rau quả 5 ly nước lớn (khoảng 1,5 lít nước), thêm vào thau 4 thìa nhỏ baking soda (bột nở) rồi khuấy đều hỗn hợp.

Sau đó, ngâm rau củ và trái cây vào dung dịch này và giữ nguyên hỗn hợp trong vòng 15 phút. Sau cùng, dùng khăn lau khô trái cây là có thể dùng được. Đối với các loại rau, chỉ nên ngâm hỗn hợp trong vòng 5-7 phút rồi rửa lại với nước sạch.

8. Do đặc tính khử trùng mạnh mẽ, nghệ cũng có thể được sử dụng để loại bỏ vi trùng và thuốc trừ sâu trên rau củ hiệu quả. Bạn chỉ cần cho 5 thìa nhỏ bột nghệ vào một chậu nước sôi (tùy vào lượng hoa quả cần ngâm), khuấy đều và để chậu nước nghệ nguội hẳn.

Sau đó, cho trái cây và các loại rau vào ngâm trong vòng 15 phút. Rửa sạch lại lần nữa với nước sạch là được.

Cách nhận biết sơ bộ rau quả có thuốc bảo vệ thực vật

* Nhìn hình dáng bề ngoài xem rau, quả còn nguyên vẹn, lành lặn, không trầy đước, không dập nát, có thâm nhiễm ở núm cuống không.

* Cảnh giác với quả quá mập, quá phổng phao, "quá đẹp mắt" so với bình thường vốn có; xem màu sắc có đúng như mầu tự nhiên không, có héo, úa không.

* Rau quả có màu bất thường như xanh, xanh đen là do nhiễm đạm nitrat (NO3)..; cầm quả thấy nặng tay, chắc ròn, không như loại có HCBVTV thì tuy rất tươi, nhưng cầm thấy nhẹ; nhìn xem núm cuống có đọng phấn lạ và ngửi có mùi hắc, hôi của HCBVTV hay không.
 

III. Cách chọn các loại thịt ngon đảm bảo an toàn thực phẩm


Nguyên tắc quan trọng khi mua thịt lợn để đảm bảo thịt ngon sạch, không chứa sán. Các loại thịt lợn, gà, bò... là những loại thịt được các bà nội trợ lựa chọn hàng ngày cho các bữa cơm. Nhưng để chọn được loại thịt tươi ngon, tránh các loại thịt giả, thịt bẩn để đảm bảo an toàn thực phẩm thì không phải ai cũng biết.
 
1. Thịt bò
 
Các mẹo vặt dưới đây sẽ giúp bạn tránh mua phải thịt bò giả, thịt bò không ngon đảm bảo an toàn thực phẩm.

* Thịt bò ngon có màu đỏ tươi (lưu ý, thịt bò có màu đỏ sẫm không phải là thịt ngon).

* Mỡ bò phải có màu vàng tươi, gân màu trắng và cứng khi ấn vào. Nếu như ấn tay lên thấy mỡ mềm thì bạn không nên mua.

* Chọn mua những thớ thịt bò nhỏ, mềm, không quá mịn, không nên mua những thớ thịt lớn và cứng.


Thịt bò ngon có màu đỏ tươi

* Lấy tay ấn vào thớ thịt, nếu là thịt bò tươi ngon thì thấy thịt có độ đàn hồi tốt, không dính tay và không có mùi hôi.

* Thịt bò cái thường ngon hơn thịt bò đực. Nếu chọn được loại thịt bò còn tơ thì càng tốt. Vì chỉ có loại thịt bò này có mỡ trắng, thớ mịn.

* Thịt bò có màu tái xanh, có những nốt trắng tròn giữa các thớ thịt là bò bị sên, bị sán hay bị gạo. Các loại thịt mà có mùi hôi, bạn cũng không nên mua. Vì nó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

* Ngoài ra thịt bò không tươi còn có các dấu hiệu: màu đỏ sậm, mỡ vàng đậm, xương màu vàng. Độ đàn hồi của thịt kém, thịt nhão, bề mặt của thịt nhớt nhớt, dính tay khi ấn vào.

2. Thịt lợn

Để mua được thịt tươi ngon, khi mua bạn cần quan sát và lựa chọn thật kỹ:

* Thịt lợn khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm trong khi thịt lợn siêu nạc thường có màu đỏ đậm khác thường, sáng và bóng.

* Thịt săn chắc, không nhũn nhão, đàn hồi tốt, không rỉ dịch, chảy nhớt. Dùng ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Các thớ thịt đều.


Thịt lợn khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm

* Đường cắt mặt thịt khô ráo, thịt hơi rít, cơ hơi se lại; lớp bì mềm, mỡ màu trắng trong đến hơi ngà, khi ngửi không có mùi gắt dầu.

* Nội tạng của lợn khỏe mạnh và tươi có màu sắc tự nhiên, nhìn trên bề mặt có độ ánh, bóng sáng.

* Thịt lợn ngon khi mua về, đem luộc có nước trong, váng mỡ to, dậy mùi thơm của thịt và đặc biệt không có mùi lạ.

* Thịt lợn sạch sẽ có màu hồng tươi, còn thịt lợn nhiễm sán thường có màu đỏ đậm khác thường, sáng bóng, kèm theo một số đốm đỏ ngoài da.

* Khi chưa chế biến, thịt lợn nhiễm sán có mùi tanh hơn thịt lợn sạch.

* Khi mua thịt, hãy nhờ người bán hàng cắt thịt theo thớ dọc. Nếu thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt thì không nên mua vì nguy cơ cao đã bị nhiễm kén sán.

* Thịt lợn sạch thường có lớp bì dày, mỡ dày, có màu trắng trong hoặc trắng ngà. Ăn vào thấy giòn, không bị ngấy như thịt lợn tăng trọng. Còn nếu nhiễm sán thì thịt lợn sẽ có phần nạc và chứa lớp mỡ mỏng, lỏng lẻo, hoặc tách rời nạc và mỡ.

* Đặc biệt, cần tránh mua thịt lợn có các ấu trùng hình bầu dục. Vì thịt lợn gạo thường chứa ấu trùng nằm ở các miếng thịt, ấu trùng có thể dài tới 9mm, màu trắng đục, bên trong chứa dịch thể và đầu sán.

3. Thịt gà

Gà làm sẵn

* Gà ta làm sẵn thường có.

* Con gà siêu trứng rất giống với gà ta nên cần phân biệt rõ. Da gà ta vàng nhạt và chỉ vàng đậm ở một số chỗ như ức, cánh, lưng trong khi gà siêu trứng lại trắng hoặc vàng toàn thân (có thể do nhuộm thuốc màu độc hại).

* Để nhận biết được gà có bị nhuộm màu hay không hãy quan sát, nếu da gà có màu vàng mà lớp mỡ bên trong trắng thì đó là gà được nhuộm hóa chất.


Gà ta làm sẵn thường có thân hình nhỏ gọn, săn chắc, ức hẹp

* Da gà ta mỏng, mịn, độ đàn hồi cao. Chọn thịt gà trông phải tươi, thịt không có mùi hôi hoặc mùi kháng sinh, trên da không có vết bầm tím hoặc tụ máu.

* Muốn mua gà ngon thì không nên chọn những con gà đen sạm vì đó là gà đã chết trước khi làm.

* Ngoài ra, để tránh mua phải gà bơm nước, bạn hãy để ý, dùng tay ấn vào vị trí bị nghi là bơm nước (chủ yếu là đùi, lườn) để kiểm tra, nếu thấy nhão, trơn hoặc biến dạng thì nên tránh, không mua nữa. Vì nước bơm vào gà thường được pha lẫn hàn the (theo một số chủ cửa hàng cho biết).

Gà đang sống

Để chọn gà đang sống, bạn cần lưu ý quan sát:

* Gà phải trông khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Mào gà phải đỏ tươi, mắt nhìn linh hoạt, không lờ đờ. Lông bóng mượt, áp sát thân.

* Mỏ gà bén nhọn, không có hiện tượng chảy nhớt ở mỏ.

* Chân gà thẳng, thon nhỏ; da chân vàng đều và sáng bóng.

* Vạch lông xem thấy da gà mỏng, mềm mại, bóng bẩy; có một số vệt vàng lớn dưới ức, cánh. Qua lớp da có thể nhìn thấy thịt, tia máu ở phần nách, dưới cánh vì da không có mỡ.

* Hậu môn hồng hào, nhấp nháy, co bóp tốt, không có hiện tượng ướt, ra nước hoặc phân ra bất thường.

* Lật cánh kiểm tra kỹ dưới nách, nếu gà bị tiêm bơm nước sẽ có một chấm đỏ nhỏ. Xung quanh vết nước phòng lên có màu đen. Để một thời gian, màu đen sẽ phát tán rộng ra.

* Cũng có thể quan sát phân gà, gà khỏe sẽ không có bọt vàng, nhầy hay lẫn máu tươi... một cách bất thường.

Lưu ý: Tránh mua những con gà có mào tái hoặc tím bầm, ủ rũ, mỏ chảy nước rãi, sờ vào diều thấy căng cứng, mắt lờ đờ, cánh xệ, dáng vẻ mệt mỏi, đầu lúc nào cũng chúi xuống dưới. Da những con gà này thường nhăn nheo, thân gầy gò, ức trơ xương, lông xơ xác; chân lạnh, khô; hậu môn trắng bệch hoặc đỏ, chảy nước hoặc hay có phân dính xung quanh. Đó là những dấu hiệu của gà bị bệnh.

Nếu muốn mua gà ta ngon mà không phải tự mổ, bạn nên chọn kỹ lưỡng những gà đang sống, rồi yêu cầu người bán hàng mổ ngay tại chỗ. Như thế, thịt vừa tươi, thơm mà không sợ mua dính gà bị bệnh hay bị nhuộm da.

4. Thịt dê

Thịt dê có thể chế biến rất nhiều món xào lăn, tái dê, lẩu dê, gỏi dê... Tuy nhiên, chị em cũng cần chú ý lựa chọn thật kỹ để mua được loại thịt tươi ngon và an toàn.

* Thịt dê tươi ngon có màu đỏ, sáng bóng, thớ thịt đều và chắc, sờ thấy mềm mịn, có tính đàn hồi và không dính tay, không có mùi lạ.


Thịt dê tươi ngon có màu đỏ, sáng bóng, thớ thịt đều và chắc, sờ thấy mềm mịn, có tính đàn hồi và không dính tay, không có mùi lạ

* Thịt dê có màu nhạt nhờ, thớ thịt không chắc, không có tính đàn hồi, bề mặt quá khô hoặc là dính nhớt ở tay, có mùi hôi đó là thịt đã biến chất.

Khi đi mua thịt dê nhiều người thường không biết xác định đâu là dê núi, đâu là dê đồng. Thực ra cách phân biệt chúng rất đơn giản. Bình thường, thịt dê núi có mùi gây nặng hơn, thịt dê đồng vị gây khá ít, thịt dê đồng thớ thịt nhỏ và ngắn, thịt dê núi thớ thịt dài, to. Thịt dê đồng sờ dính tay, thịt dê núi sờ không dính tay. Nếu trên thịt còn xót lại lông thì có thể phân biệt lông dê đồng nhỏ và xoăn, lông dê núi thẳng và cứng.
 
                                                  ĐH tổng hợp (Nguồn: khoahoc.tv)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×