Chân dung những nữ Tiến sỹ tài năng

Thứ ba, 26/02/2019

Trong số những phụ nữ Việt ngày nay, ngoài những phẩm chất đặc trưng thì không ít trong số họ luôn say mê tìm tòi, nghiên cứu khoa học, và đã trở thành các nhà khoa học nữ tài năng, đóng góp những sáng chế, những sản phẩm rất có giá trị cho xã hội.
Trong số những phụ nữ Việt ngày nay, ngoài những phẩm chất đặc trưng thì không ít trong số họ luôn say mê tìm tòi, nghiên cứu khoa học, và đã trở thành các nhà khoa học nữ tài năng, đóng góp những sáng chế, những sản phẩm rất có giá trị cho xã hội.
 

 1. Nữ tiến sĩ đầu tiên ở Việt Nam nhận bằng sáng chế của Mỹ


 Với học lực xuất sắc, được tuyển thẳng vào 4 trường đại học (ĐH) thuộc hàng tốp phía Nam, Dương Thị Thùy Vân đăng ký thi vào ngành công nghệ thông tin (CNTT) chỉ vì cô muốn khám phá và thử thách bản thân.


TS Dương Thị Thùy Vân (thứ 3 từ trái sang) hướng dẫn sinh viên làm sa bàn Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Để theo đuổi niềm đam mê này, cô đã khép lại ngành sư phạm toán chỉ sau một học kỳ. Và rồi trái ngọt đã đến khi cô hoàn thành chuyên ngành CNTT với kết quả xuất sắc, học tiếp cao học rồi tiến sĩ. Và chưa đầy 2 năm sau khi có học vị tiến sĩ, cô đã vinh dự nhận bằng sáng chế của Mỹ.Từ đam mê công nghệ

Năm 2000, Dương Thị Thùy Vân đăng ký thi vào ngành công nghệ thông tin (CNTT) của Học viện Bưu chính Viễn thông cơ sở phía Nam. “Tôi đăng ký thi vào ngành này vì thời điểm đó ngành CNTT của học viện này rất hút thí sinh và cũng vì muốn khám phá tại sao ngành này lại hấp dẫn đến vậy. Và tôi cũng bất ngờ khi kết quả thi đạt 27 điểm, xếp thứ 2 đầu vào”, Dương Thị Thùy Vân bộc bạch.

Vừa học sư phạm, vừa học “lén” ngành CNTT nhưng sau một học kỳ, Dương Thị Thùy Vân xin bảo lưu kết quả học ngành sư phạm toán để quyết tâm theo học ngành CNTT vì môn học này thật sự làm cô thích thú. Gặp phải sự phản đối của gia đình, bạn bè khi cho rằng con gái mấy ai học ngành của phái mạnh, cô đã mất một thời gian dài để thuyết phục bằng những kết quả học tập xuất sắc. Năm 2004, cô được công ty phần mềm nổi tiếng TMA Solution mời về làm mà không cần hồ sơ xin việc hay phỏng vấn. Sau đó, cô lại trúng tuyển cao học ngành CNTT tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM).

Cô nhớ lại: “Khi nhận giấy báo nhập học cao học, tôi xin về Trường ĐH Tôn Đức Thắng làm việc để tiện cho việc học tiếp. Quyết định chấm dứt công việc đang làm cũng khó khăn vì không dễ xin vào làm việc tại công ty này. Nhưng may mắn đã mở ra trên con đường học vấn khi tôi được GS Cao Hoàng Trụ và GS Phan Thị Tươi hướng dẫn”.

Năm 2010, Dương Thị Thùy Vân tiếp tục học nghiên cứu sinh và hoàn thành luận án tiến sĩ ngành CNTT vào năm 2015. Chuyên ngành mà cô theo đuổi là các giải pháp về phần mềm, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Khi bảo vệ luận án tiến sĩ, cô đã có 8 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI và Scopus, một kết quả ít ai ngờ tới đối với nữ nghiên cứu sinh trong ngành CNTT tại Việt Nam.

Đến thành quả quốc tế

Chỉ sau một năm bảo vệ thành công luận án, TS Dương Thị Thùy Vân mạnh dạn đăng ký đề tài “Hệ thống điều hòa không khí thông minh” ở Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO). Năm 2016, USPTO đã công nhận bằng sáng chế cho đề tài này của cô vì rất hữu ích nếu áp dụng trong điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với bệnh nhân hay từng người trong cùng phòng, do mỗi người có cơ địa khác nhau, phù hợp với một nhiệt độ nhất định. Đề tài này cũng hữu ích khi nuôi trồng các loại nông sản trong cùng một hệ thống nhà thông minh vì mỗi loại cây cũng cần một điều kiện nhiệt độ, môi trường và chế độ dinh dưỡng khác nhau.
Hiện nhóm nghiên cứu của TS Dương Thị Thùy Vân cũng đã đăng ký hồ sơ và được USPTO tiếp nhận 2 đề tài khác liên quan đến các giải pháp thông minh khác trong lĩnh vực CNTT.

Chia sẻ về sự thành công của mình, TS Dương Thị Thùy Vân bộc bạch: “Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học không có giới hạn hay ràng buộc nào để phân biệt ngành này dành cho nam hay ngành kia dành cho nữ. Nếu có đam mê thì ắt sẽ thành công. Cũng giống như bao phụ nữ khác, tôi cũng gặp những khó khăn trong quản lý thời gian hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn thì bù lại cũng có những thuận lợi. Chẳng hạn như lĩnh vực phần mềm mà tôi theo đuổi, phụ nữ có những lợi thế hơn nam về sự tỉ mỉ, cẩn thận nên dễ phát hiện các lỗi khi viết lập trình”.

Dù đã gặt hái được nhiều thành công nhưng TS Dương Thị Thùy Vân vẫn còn trăn trở: Việt Nam không thiếu các nhà khoa học tầm cỡ quốc tế. Cái thiếu của chúng ta chính là sự kết hợp và thiếu tầm nhìn. Với xu thế hiện nay, các lĩnh vực nghiên cứu đều phải có sự liên kết và tích hợp để giải quyết những vấn đề mà xã hội đang cần. Nếu giải quyết được tình trạng mỗi người mỗi ngành và gắn kết giữa nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng thì chắc chắn số bằng phát minh, sáng chế quốc tế của Việt Nam sẽ không thua kém các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
 

2. Tiến sĩ nano bạc



 
TS Trần Thị Ngọc Dung, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam được bạn bè, đồng nghiệp, đối tác gọi bằng cái tên trìu mến: Tiến sĩ nano Bạc.

TS Trần Thị Ngọc Dung, là chủ nhân của nhiều sản phẩm liên quan đến nano bạc như băng gạc điều trị vết thương; bỉm nano cho trẻ em, nước súc miệng nano, khẩu trang nano… 

Mạo hiểm

Ngồi trong căn phòng bề bộn các thiết bị thí nghiệm, TS Trần Thị Ngọc Dung kể, chị bắt đầu “gắn bó” với công nghệ nano từ năm 2006. Thời điểm đó, ở Việt Nam, nano vẫn là công nghệ mới mẻ, thế nên bắt tay nghiên cứu nano bạc, TS Trần Thị Ngọc Dung tự nhận là mạo hiểm.

Lúc bắt tay vào làm, khó khăn nối tiếp khó khăn. Đó là sự hiểu biết về nano, nhất là nano bạc của chính bản thân và các cộng sự còn hạn chế; trang thiết bị không có; kinh phí thiếu... “Thời điểm đó, viện chúng tôi là một viện mới nên mọi thứ đều rất khó. Lãnh đạo viện xác định nano sẽ là hướng nghiên cứu quan trọng, thế nên dù khó vẫn phải làm”.

Sản phẩm đầu tiên của TS Trần Thị Ngọc Dung là khẩu trang nano bạc. Nữ TS kể: Chiếc khẩu trang là vật dụng thân thiết hằng ngày của tất cả chúng ta mỗi khi ra đường. Khẩu trang giúp bảo vệ chúng ta khỏi các chất ô nhiễm trong môi trường như bụi, vi khuẩn, các khí thải độc hại từ động cơ... Khẩu trang có tác dụng như một màng lọc không khí nên sau khi sử dụng, các chất ô nhiễm từ môi trường và các chất từ cơ thể được giữ lại trên khẩu trang, đặc biệt là các vi khuẩn.

Quá trình hô hấp của chúng ta trong khi sử dụng đã đưa một lượng hơi nước lưu lại trên khẩu trang. Với khí hậu nóng ẩm như ở nước ta thì lượng hơi nước này lại càng nhiều. Chính lượng hơi ẩm này đã cho các vi sinh vật lưu trên khẩu trang một môi trường thuận lợi để phát triển. Với tốc độ sinh sôi tính bằng giây của vi khuẩn thì chiếc khẩu trang có nguy cơ là nguồn phát tán vi khuẩn ngược vào cơ thể chúng ta.

Để giảm thiểu nguy cơ này, TS Trần Thị Ngọc Dung đã nghiên cứu và sáng tạo ra chiếc khẩu trang kháng khuẩn. Về lý do chọn nhánh nano bạc, TS Trần Thị Ngọc Dung kể: “Bạc là một nguyên tố có hoạt tính kháng khuẩn tự nhiên mạnh nhất được tìm thấy trên Trái đất. Dưới dạng nano hoạt tính này còn tăng lên gấp bội. So với các hệ khử trùng chứa bạc thông thường các hạt nano bạc với năng lượng bề mặt rất lớn có khả năng giải phóng từ từ các ion bạc vào đối tượng khảo sát. Bởi vậy nano bạc có tính năng kháng khuẩn mạnh hơn nhiều lần và có tác dụng kéo dài hơn so với bạc ở dạng keo, dạng ion hay dạng rắn”.

Thời điểm khẩu trang nano bạc ra đời, chính là thời điểm mà dịch cúm H5N1 bùng phát. Vì thế khẩu trang nano bạc được đón nhận một cách nồng nhiệt.

Song song với khẩu trang nano bạc, TS Trần Thị Ngọc Dung cùng các đồng nghiệp đã bắt tay nghiên cứu băng gạc điều trị vết thương. Ưu điểm của loại băng gạc này là sử dụng công nghệ nano bạc nên chúng dễ dàng kháng viêm, chống lở loét trên ngay vị trí băng bó vết thương. Điều trị các vết thương bằng băng gạc nano bạc có tác dụng giảm nhiễm trùng, giảm đau cho bệnh nhân khi thay băng, làm sạch bề mặt tổn thương và giảm số lần thay băng. Thời gian điều trị được rút ngắn từ 5 – 10% so với điều trị bằng phương pháp thông thường, giảm chi phí điều trị.

Sau băng gạc điều trị vết thương, bỉm nano dành cho trẻ em, băng vệ sinh nano, nước súc miệng nano... lần lượt ra đời.
 

 
 
Sản phẩm từ chính cuộc sống

Các sản phẩm mà TS Trần Thị Ngọc Dung nghiên cứu thành công đều rất đời thường. TS Trần Thị Ngọc Dung đùa đấy là do cái khó ló cái khôn. Khó xin kinh phí, nếu có cũng chỉ là những đề tài, dự án nhỏ nên buộc bà và các cộng sự phải làm những cái vừa sức, vừa số tiền mình có được. Nhưng đấy chỉ là một lý do, quan trọng hơn, là phụ nữ, TS Dung gắn mình với những trải nghiệm của cuộc sống, từ cuộc sống mà cho ra đời những sản phẩm khoa học.

Nghe người thân, bạn bè than thở về chất lượng và giá thành của bỉm, bỉm rẻ thì chất lượng không tốt không có khả năng thấm hút, thậm chí còn làm các bé ngứa, khó chịu, bỉm chất lượng tốt thì giá thành quá cao, TS Dung bắt tay nghiên cứu bỉm nano với mục tiêu đảm bảo chất lượng tốt mà giá thành mềm.

Tương tự, sau lần nghe đồng nghiệp kể về việc con bị bệnh tay chân miệng, hàng trăm nốt lở loét trong miệng, trong lưỡi, cả tuần bé không ăn không uống được vì đau, TS Dung bắt tay nghiên cứu nước súc miệng nano có tác dụng đánh bật hôi miệng, nhiệt miệng, sâu răng, viêm lợi, ngăn chặn các mầm bệnh.

Hay khi đọc báo, xem tivi thấy người dân khốn khổ vì bệnh sốt xuất huyết, TS Dung nảy ra ý tưởng phòng, chống sốt xuất huyết bằng dung dịch có chứa nano bạc. Hiện tại, bà đang phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư để thử nghiệm, đánh giá hiệu quả của loại dung dịch này.
 
 
Cần sự tin tưởng

Một điểm đặc biệt nữa là hầu hết các sản phẩm của TS Dung đều được doanh nghiệp đón nhận và đề nghị hợp tác để đưa sản phẩm ra thị trường. TS Dung tâm sự, có lẽ đó là cái duyên, bởi sản phẩm của chị phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, nên họ tìm đến và đề nghị hợp tác. “Thực tế có rất nhiều sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao và nhu cầu thị trường rất cần, tuy nhiên khi hợp tác, doanh nghiệp và nhà khoa học không tìm được tiếng nói chung khiến hợp tác bị đổ bể.

Đây là một điều rất đáng tiếc”, TS Dung tâm sự, “Tôi cũng có nhiều “bài học” xương máu khi làm việc với doanh nghiệp. Nhưng sau nhiều lần làm việc và hợp tác, tôi thấy, cái quan trọng nhất là phải có sự tin tưởng. Doanh nghiệp cần tin tưởng vào năng lực của các nhà khoa học để đầu tư. Nhà khoa học cần tin tưởng doanh nghiệp trong việc triển khai sản phẩm ra thị trường. Một điểm nữa là ngoài chất lượng sản phẩm, ngày nay nhà khoa học cũng phải ý thức được hình thức và mẫu mã sản xuất”.

Chỉ cho chúng tôi xem bao bì của sản phẩm nước súc miệng nano dự kiến sẽ được giới thiệu trong thời gian tới, TS Dung kể, chị phải gửi mẫu sang các phòng thí nghiệm của châu Âu để kiểm tra chất lượng. Hình thức cũng được nhóm nghiên cứu chú ý, từ chọn kích thước hộp đựng, màu sắc của hộp đựng... “Từ trong ra ngoài, từ chất lượng nước súc miệng đến vỏ hộp đựng nước súc miệng đều phải được nghiên cứu cẩn trọng, tỉ mỉ. Một sản phẩm tốt mới mong được doanh nghiệp đầu tư và người tiêu dùng đón nhận”, TS Dung khẳng định.
 

 3. Nữ tiến sĩ mê kiếm tiền từ những sinh vật nhỏ bé


Thích nghiên cứu nhưng bà lại rẽ sang con đường kinh doanh, bởi với bà những nghiên cứu có thể thương mại hóa nhưng lại chỉ để trong “ngăn kéo” thì sẽ rất uổng phí.

TS. Võ Thị Hạnh tốt nghiệp chuyên ngành hóa học và về làm việc tại Tổ vi sinh, Phòng Sinh học thực nghiệm, Phân viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) từ năm 1976. “Học hóa nên chưa biết gì về vi sinh, nhưng lúc đó Viện đang cần người làm trong lĩnh vực này nên tôi nhận “liều” - bà chia sẻ. Nhưng càng tìm tòi, nghiên cứu bà càng say mê, bởi đó là những sinh vật hết sức nhỏ bé nhưng có thể làm nên những điều kỳ diệu nếu con người biết cách khai thác.

Thích nghiên cứu nhưng lại rẽ sang con đường kinh doanh, bởi vì những nghiên cứu chỉ để trong “ngăn kéo” thì mãi sẽ không còn giá trị. “Như vậy, cũng thật lãng phí công sức và tiền bạc của nhà nước” - bà chia sẻ.

Dám nghĩ, dám 'liều'

Năm 2001, phong trào nuôi tôm, cá, chăn nuôi trang trại bắt đầu nở rộ, kéo theo đó là việc lạm dụng các chất kháng sinh để phòng trị bệnh gây ra hiện tượng “nhờn thuốc” và dư lượng kháng sinh trong các sản phẩm nuôi trồng. Ngoài ra, việc sử dụng các hóa chất xử lý môi trường ao nuôi thủy sản làm mất cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm nguồn nước. Do đó, các chế phẩm sinh học dùng cho tiêu hóa, dinh dưỡng và xử lý nước ao nuôi tôm, cá đã được đưa vào sử dụng, nhưng phần lớn nhập của nước ngoài với giá thành cao. 


TS. Võ Thị Hạnh nhận giải thưởng Sáng chế vì môi trường.

Trước thực tế lúc đó, bà cùng các cộng sự đã định hướng nghiên cứu để sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ cho nền nông nghiệp sinh thái bền vững. Trong đó, tập trung nghiên cứu tận dụng các phụ phẩm công nông nghiệp như hèm rượu, bã men bia, bã khoai mì, rỉ đường, phế phẩm chế biến tôm cá… để sản xuất ra các chế phẩm sinh học phục vụ cho chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt.

Thành quả đầu tiên của nhóm là đề tài “Nghiên cứu sản xuất ra hai chế phẩm sinh học Bio-I và Bio-II chứa hỗn hợp vi sinh vật hữu ích sống và enzym tiêu hóa dùng trong chăn nuôi và thủy sản”. Sản phẩm được đánh giá có chất lượng tốt và đoạt Giải II Hội thi sáng tạo khoa học Việt Nam (VIFOTEC), Giải II Hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật TPHCM (năm 2003). Cá nhân TS. Hạnh đã nhận được Giải thưởng WIPO dành cho nhà phát minh phụ nữ tài năng Việt Nam năm 2004.

Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng nguồn phụ phẩm công nông nghiệp như khô đậu nành, cám gạo, mật rỉ đường để nuôi cấy các chủng vi sinh vật có lợi để tạo sản phẩm Bio-I và Bio-II. Vào những năm 2003, những chế phẩm vi sinh được sản xuất trong nước rất ít, hầu hết là nhập ngoại. Khi so sánh với một số chế phẩm của nước ngoài, hiệu quả của các chế phẩm trên không hề thua kém, trong khi giá thành lại thấp hơn, bà cho biết.

Tuy nhiên, lúc đó, nhóm nghiên cứu cũng sản xuất sản phẩm nhưng chỉ bán được nhỏ lẻ với số lượng không nhiều. “Nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn, nếu chỉ sản xuất và bán nhỏ lẻ mãi như thế này thì rất uổng. Nhưng đưa được ra thị trường và bán sỉ bằng cách nào khi trong tay không có nguồn lực tài chính và cũng ko biết bắt đầu từ đâu, do cả nhóm từ trước đến giờ chỉ biết nghiên cứu và… nghiên cứu” - bà nhớ lại.
Sau thời gian suy nghĩ, bà bàn với nhóm nghiên cứu và quyết định cùng nhau góp vốn xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị để sản xuất ngay tại Viên Sinh học nhiệt đới. Có được nhà xưởng, sản xuất ra sản phẩm nhưng để bán sỉ ra thị trường quả thật hết sức khó khăn.



Theo TS Hạnh, để đưa kết quả nghiên cứu ra được thị trường là cả một chặng đường gian nan không dành cho những người dễ chùn bước.

Loay hoay với bài toán đầu ra, bà mạnh dạn tìm đến Công ty Cổ phần Thuốc thú ý Trung ương Navetco để mời chào hợp tác, sử dụng sản phẩm vừa tốt vừa rẻ của mình. Tuy nhiên, chặng đường để “chinh phục” Navetco không phải đơn giản.

“Mình phải cho họ dùng thử sản phẩm để yên tâm về chất lượng, nếu hài lòng mới trả tiền. Thậm chí họ yêu cầu dùng thử mà tôm cá chết phải bồi thường cũng chấp nhận” - bà Hạnh cho biết. Chính sự liều lĩnh này đã giúp bà chinh phục được Navetco bởi cả hai chế phẩm sinh học Bio-I và Bio-II đều thử nghiệm thành công, chất lượng không thua kém nhập ngoại mà giá thành rẻ hơn 10 lần.

Từ kết quả này, các sản phẩm của bà và cộng sự dần dần được nhiều người biết đến và đặt hàng. Không lo đầu ra, lại có doanh thu, bà và nhóm nghiên cứu có thêm sức mạnh và niềm tin để sản xuất ra các sản phẩm mới.

Năm 2008, bà Hạnh và cộng sự quyết định thành lập Công ty TNHH Sinh học Phương Nam, đến năm 2015, Công ty được Sở KH&CN tỉnh Long An công nhận là doanh nghiệp KH&CN.

“Đến nay, Công ty đang sản xuất và kinh doanh hơn 30 chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, xử lý môi trường và thực phẩm chức năng” - bà Hạnh cho biết.

Làm khoa học đừng sợ bị ăn cắp ý tưởng

Mọi thành viên trong Công ty Phương Nam luôn đoàn kết, gắn bó và coi như như là những thành viên trong một gia đình. “Chúng tôi làm việc theo nhóm và không giấu diếm những ý tưởng nghiên cứu hay kinh doanh”. Theo bà, làm khoa học cũng nên như vậy, đừng sợ bị ăn cắp ý tưởng hay kết quả nghiên cứu, làm việc nhóm bao giờ cũng tốt hơn khi làm một mình.

Bà xác định, Phương Nam sống bằng chất xám và kinh nghiệm. Vì vậy, ngay sau khi đi vào hoạt động, Công ty đã  thành lập phòng nghiên cứu và phát triển. “Tại đây, các ý tưởng sáng tạo được nảy sinh, chia sẻ cùng nhau để nghiên cứu và đưa ra thị trường” - bà Hạnh cho biết.


Phòng nghiên cứu và phát triển của công ty Phương Nam.

Đến giờ Phương Nam vẫn không marketing sản phẩm bằng cách quảng cáo trên các phương tiện truyền thông hay các kênh phân phối, tiếp thị khác. Thay vào đó, Phương Nam tích cực tham gia các cuộc thi để khẳng định chất lượng của mình thông qua các giải thưởng về sáng tạo KH&CN. Tính đến nay, bà và đội ngũ cán bộ, nhân viên công ty đã đạt được 17 giải thưởng sáng tạo KH&CN trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Phương Nam còn tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu trong lẫn ngoài nước. “Đây không chỉ là hoạt động khuyến khích các cán bộ nghiên cứu, giúp thương mại hóa sản phẩm mà còn là cách tiếp thị hay và thiết thực nhất” - theo bà Hạnh.

Kể về những thăng trầm trong làm nghiên cứu, kinh doanh của mình, bà không nhận mình là tài giỏi, gan lỳ như nhiều người từng nhận xét. Bà chỉ nhận mình là người chịu khó tìm tòi, học hỏi và may mắn.

May mắn lớn nhất mà bà cho rằng, không dễ ai có được như bà là hơn 40 năm nghiên cứu trong cơ quan nhà nước và làm việc tại doanh nghiệp, bà luôn có một người bạn, người cộng sự từ thuở ban đầu là bà Lê Thị Bích Phượng (hiện là Phó Giám đốc Công ty) cùng một đội ngũ nghiên cứu từ khi còn làm ở Viện Sinh học nhệt đới đến khi mở kinh doanh riêng đã luôn sát cánh cùng bà vượt qua những thăng trầm.

“Một mình tôi không thể có những thành tích nghiên cứu và thành công của Phương Nam như ngày hôm nay” - bà chia sẻ.
Đông Trần tổng hợp (nguồn:Khampha.vn)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×