Thông tin Khoa học công nghệ
Việt Nam thuận lợi quan sát mưa sao băng Eta Aquarids
Thứ hai, 08/05/2023

Mưa sao băng Eta Aquarids diễn ra hàng năm từ ngày 19/4 đến 28/5, mang đến một màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục có thể quan sát thấy bằng mắt thường trên bầu trời đêm. Theo Hội thiên văn Hà Nội (HAS), ở Nam bán cầu, mưa sao băng này có thể đạt tần suất lên tới 60 vệt/giờ. Trong khi ở Bắc bán cầu, con số đó chỉ bằng một nửa.
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), cho biết thời điểm quan sát tốt nhất với mưa sao băng Eta Aquarids thường chỉ ở một hoặc hai đêm quanh cực điểm. Tại Việt Nam, thời điểm quan sát lý tưởng nhất vào rạng sáng ngày mùng 7/5, trong khoảng từ sau 2h cho tới khi trời sáng.
Vì có cực điểm lân cận đêm Trăng tròn, các sao băng của Eta Aquarids sẽ khó quan sát hơn bởi ánh Trăng sẽ che khuất đa số các vệt sao băng. Nếu có một bầu trời trong xanh cùng một chút may mắn, bạn vẫn có thể nhìn thấy một vài sao băng sáng nhất của hiện tượng này.

Sao băng Eta Aquarids trên bầu trời năm 2013. Ảnh: David Kingham/Space
Mặc dù không phải mưa sao băng lớn hàng năm, nhưng Eta Aquarids từng được ghi nhận có khá nhiều sao băng dài và sáng. Với mưa sao băng, mắt thường hoàn toàn có thể quan sát dễ dàng trong điều kiện bầu trời quang đãng, chọn vị trí góc rộng và không cần mang theo dụng cụ quan sát nào. Sau 20-30 phút nhìn ngắm bầu trời, mắt sẽ quen với bóng tối và dễ phát hiện sao băng hơn.
Người xem nên tìm một vị trí cách xa ánh đèn thành phố để quan sát tốt nhất. Mưa sao băng Eta Aquarids có vị trí trung tâm là chòm sao Aquarius (còn gọi là Bảo Bình), bạn có thể tìm thấy chòm sao này ở bầu trời phía Đông. "Nếu bạn không quen với việc xác định các chòm sao, cách đơn giản là nhìn bầu trời phía Đông, ở độ cao khoảng từ 30 đến 70 độ", ông Sơn nói.
Eta Aquarids có nguồn gốc từ các mảnh vỡ của sao chổi Halley. Tên gọi của nó được đặt theo Eta Aquarii, ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Bảo Bình. Vị trí của chòm sao này chính là nơi tập trung nhiều vệt sáng nhất.
Mưa sao băng xảy ra khi các mảnh vụn của sao chổi để lại nằm thành những đám cắt qua quỹ đạo Trái Đất. Khi hành tinh của chúng ta đi qua khu vực này, các mảnh vụn (thiên thạch) lao vào khí quyển Trái Đất và cháy sáng do áp suất khí quyển tạo thành rất nhiều sao băng có thể nhìn thấy từ mặt đất. Sao chổi Halley là sao chổi chu kỳ ngắn, cứ 76 năm nó lại tới gần Mặt Trời và có thể được quan sát từ Trái Đất. Lần tiếp theo nó xuất hiện sẽ là năm 2061.
Theo VnExpress
Bài viết cùng chuyên mục
- 'Đừng hỏi AI có thể làm gì, hãy hỏi nó đang làm gì chúng ta'
- Việt Nam giành ngôi Á quân tại giải đấu robot lớn nhất thế giới
- Công nghệ LiDAR hỗ trợ chuyển đổi số công trình
- Ra mắt nền tảng tôn vinh, lan tỏa các sáng kiến Make in Vietnam
- Các nhà khoa học VinFuture được vinh danh tại Breakthrough 2025
- Thiết bị 'hiểu' đất bằng AI đoạt giải về giải pháp xanh
- Bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện hạ tầng số Việt Nam
- Tổng Bí thư: Khoa học công nghệ là con đường duy nhất đưa đất nước phát triển
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Bình dân học vụ số' là xóa mù chuyển đổi số
- Trí thức công nghệ hiến kế để Thái Nguyên thu tỷ đô từ cây chè
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận